Không phải tiền, đây mới lý do khiến nhân viên “sống chết” vì công việc

Là nhân viên, ai cũng mong muốn có được điều này tại môi trường làm việc nhưng không phải sếp nào cũng biết.

Đã bao giờ bạn tự hỏi các công ty thành công như Google, Zappos, Pandora, Glassdoor, và Menlo Innovations có điểm gì chung? Câu trả lời là: Những công ty này đã tạo ra môi trường làm việc cởi mở, nơi họ cảm thấy mình được đóng góp và công nhận.

Môi trường lý tưởng là nơi mang lại cho nhân viên thứ họ muốn – Tự do

Từ thời xa xưa, con người đã làm việc theo sự phân chia giai cấp và nhân viên “chỉ làm những việc sếp yêu cầu” đã trở thành một nguyên tắc. Các bộ phận thực hiện các nhiệm vụ đơn giản và lặp đi lặp lại trong dây chuyền sản xuất, sự ra lệnh và điều chỉnh từ cấp cao nhất luôn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Trong môi trường công sở hiện đại ngày nay, nhân tài cần cấu trúc làm việc cân bằng cho phép họ được tự do để làm những gì mình thích, tham gia đóng góp, đổi mới và sáng tạo.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn nhân sự Worldblu, các tổ chức đề cao mô hình lãnh đạo tập trung vào sự tự do thường tạo ra nền văn hóa mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền lựa chọn và thực hành kỹ năng lãnh đạo, bất kể giới tính, năng lực và vị trí.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, trong giai đoạn 3 năm, những công ty khuyến khích nhân viên tự do, dân chủ đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm lớn gấp 6,7 lần các công ty khác nằm trong nhóm S&P 500.

Môi trường kỷ luật tạo căng thẳng và khiến năng suất lao động giảm sút

Khi bạn đang làm việc trong một công ty được gọi là “kỷ luật”, nội quy không cho phép bạn lướt Facebook trong giờ làm việc. Sếp bạn hứa hẹn rằng làm việc tập trung trong suốt 6-8 tiếng sẽ giúp bạn không phải đem công việc về nhà. Và như vậy, bạn sẽ có thời gian cho cuộc sống riêng tư của mình nhiều hơn.

Một công ty như vậy chắc hẳn đang theo đuổi chiến lược “cân bằng giữa công việc và cuộc sống”. Chiến lược này mới nghe thì có vẻ hướng đến lợi ích của người lao động nhiều hơn, nhưng mục đích chính của bất kể công ty nào áp dụng nó đều nhắm tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một thực tế rằng: Môi trường càng kỷ luật, nhân viên càng cảm thấy khó gắn bó và không thể làm việc hiệu quả dẫn đến năng suất lao động giảm sút.

Hãy lấy ví dụ trường hợp của Google – một công ty tạo cho nhân viên môi trường làm việc tự do nhất và nhân viên luôn cống hiến hết mình để đạt kết quả cao nhất.

Giám đốc nhân sự toàn cầu của Google Laszlo Bock đã làm cho việc lan tỏa yêu thương trở nên dễ dàng bằng cách để nhân viên tham gia vào việc khen thưởng lẫn nhau. Google phát hành một công cụ nội bộ “gThanks” cho phép mọi người ghi nhận những đóng góp của người khác.

Nhân viên có thể gửi lời cảm ơn thông qua sự khen tặng hoặc chúc mừng nhau. Những ghi nhận này được đăng tải công khai để các nhân viên khác có thể đọc được và được chia sẻ (việc lan tỏa lời khen làm cho cả người cho và người nhận hạnh phúc hơn).

Bock cũng xây dựng một “Bức tường hạnh phúc” bên ngoài văn phòng, nơi những lời chúc mừng, khen thưởng và cảm ơn nhau được in ra và dán lên. Bất kỳ nhân viên nào cũng có thể thưởng cho nhân viên khác một phần thưởng tiền mặt 175$ mà không cần bất kỳ sự giám sát hay hay theo quy định nào từ công ty. Đó là lý do mọi nhân viên Google luôn cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc và cố gắng phấn đấu hết mình vì công việc.

Nguồn: blog.topdev.vn via cafef.vn