Tips trả lời câu hỏi phỏng vấn IT Consultant hay nhất
Consultant là thuật ngữ dùng để chỉ đội ngũ tư vấn viên của một doanh nghiệp có trách nhiệm đưa ra nhận xét, đánh giá, lời khuyên dựa trên nghiệp vụ và chuyên môn. IT Consultant là vị trí có vai trò quan trọng như trên với chuyên ngành liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin, đòi hỏi cao về kinh nghiệm chuyên môn và các kĩ năng giao tiếp với khách hàng. Với yêu cầu đòi hỏi cao nên vị trí IT Consultant luôn có mức đãi ngộ rất hậu hĩnh và được xem như là đích đến của các kỹ sư IT nói chung. Bài viết hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu danh sách những câu hỏi phỏng vấn vị trí IT Consultant này nhé.
Công việc của một IT Consultant là gì?
IT Consultant hay Technical Consultant là người lắng nghe những vấn đề về nghiệp vụ, kinh doanh từ doanh nghiệp khách hàng, sau đó đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề. Công việc chính của một IT Consultant là đưa ra lời khuyên, thuyết phục khách hàng và giải quyết những vấn đề họ đang gặp phải bằng chính kiến thức chuyên môn cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin của mình.
Mỗi lời khuyên, phương án do tư vấn viên IT đề xuất được phải được cân nhắc kĩ lưỡng dựa trên từng tình huống cụ thể, cũng như các yếu tố về nghiệp vụ và chuyên môn khác.
Với quy mô nhỏ, IT Consultant có thể đưa ra những hỗ trợ hay chăm sóc khách hàng cần thiết liên quan đến phần mềm, hệ thống. Ở quy mô dự án lớn ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp thì công việc của IT Consultant đòi hỏi kiến thức sâu rộng về lĩnh vực business của khách hàng, đồng thời nắm được những yếu tố chuyên môn liên quan đến dịch vụ và sản phẩm mà các doanh nghiệp tư vấn cung cấp. Quyền quyết định hoàn toàn thuộc về khách hàng, còn công việc của IT Consultant là đưa ra lời khuyên và thuyết phục khách hàng nghe theo mình.
Phân loại các mảng công việc tư vấn của IT Consultant phổ biến hiện nay
Các mảng công việc hay các sản phẩm tư vấn phổ biến mà IT Consultant mang lại hiện nay bao gồm:
- Mảng đào tạo: gồm các khóa học IT (CNTT) mà doanh nghiệp cần để đào tạo cho nhân viên hoặc cũng có thể phục vụ cho khách hàng cá nhân mong muốn tìm các khóa học để nâng cao năng lực
- Mảng phần mềm: tư vấn cho khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp xây dựng nên một sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh. Công việc này đòi hỏi kiến thức về lập trình cũng như các mô hình hệ thống phần mềm để đưa ra được giải pháp cho khách hàng.
- Mảng hệ thống mạng: xây dựng một hệ thống mạng dành cho tổ chức, doanh nghiệp là một công việc đòi hỏi nhiều kiến thức sâu về mạng, cơ sở hạ tầng, … Để tư vấn bạn có thể lựa chọn những giải pháp của những hãng chuyên sâu về hệ thống mạng được chuẩn hóa ví dụ như CISCO
- Mảng hệ thống: gồm các thiết lập về hệ điều hành, các sản phẩm server đi kèm các giải pháp bảo mật liên quan đến tường lửa, antivirus, backup,…
- Mảng phần cứng: đây cũng là một mảng mà mọi doanh nghiệp CNTT đều cần được tư vấn, từ cấu hình phần cứng thiết bị, đến việc lựa chọn các thiết bị chuyên sâu cho doanh nghiệp.
Tham khảo câu hỏi phỏng vấn Technical Consultant hấp dẫn trên TopDev
Hệ thống ERP là gì? Khi nào một doanh nghiệp cần hệ thống ERP
ERP là viết tắt của Enterprise Resource Planning – hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Trong một tổ chức, công ty hay doanh nghiệp thì tùy theo lĩnh vực, công việc, phòng ban sẽ sử dụng những công cụ phần mềm, hệ thống khác nhau. Để có thể có cái nhìn tổng quát nhất về tất cả các hoạt động của doanh nghiệp hay cho ra được các báo cáo đầy đủ thì hệ thống ERP ra đời, nó kết nối các phần mềm lại trên một phần mềm và cho đầu ra là các số liệu về tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện tại. Vai trò chính của hệ thống ERP có thể được liệt kê ra như:
- Quản trị kế toán, tài chính
- Quản trị tối ưu nguồn nhân lực
- Nâng cao hiệu suất làm việc
- Quản lý hàng tồn kho
- Quản lý thông tin khách hàng
- Liên lạc thuận tiện
Hệ thống ERP mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, mặc dù vậy thì việc triển khai cũng như vận hành một hệ thống ERP đòi hỏi chi phí đầu tư cũng như đào tạo nhân sự vận hành không hề nhỏ. Một doanh nghiệp khi đạt quy mô nhân sự, phòng ban nhất định, gặp những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay cần tái cấu trúc lại bộ máy thì ERP là một giải pháp phù hợp. Với vai trò của một IT Consultant, cần đánh giá lại hiện trạng của doanh nghiệp và phân tích vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trước khi tư vấn một giải pháp về hệ thống ERP có thể triển khai.
CRM là gì? Tư vấn giải pháp CRM phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ
CRM viết tắt của Customer Relationship Management hay Quản lý quan hệ khách hàng. Phần mềm CRM giúp quản lý, lưu trữ tập trung các dữ liệu về khách hàng bao gồm cả khách hàng đã, đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ và các khách hàng tiềm năng đối với doanh nghiệp.
Các thông tin chi tiết nhỏ nhất của khách hàng được lưu trữ như các hóa đơn, lịch sử sử dụng, các yêu cầu dịch vụ, cuộc gọi,… là đầu vào cho các tính năng phân tích dữ liệu, báo cáo hay tự động hóa giúp mối quan hệ của doanh nghiệp và khách hàng tốt hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều khách hàng mới hơn.
Để tư vấn một giải pháp CRM cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tiên cần xóa bỏ quan niệm sai lầm về việc hệ thống CRM chỉ cần thiết cho các doanh nghiệp lớn với tập khách hàng khổng lồ. CRM hoàn toàn cần thiết cho công ty quy mô nhỏ với việc giúp lưu trữ, thu thập dữ liệu khách hàng ngay từ ban đầu; đồng thời còn giúp tăng hiệu suất làm việc của từng thành viên trong tổ chức. Với quy mô của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta có thể lựa chọn các phần mềm CRM có sẵn theo các template với đầy đủ tính năng và chi phí không quá cao; không cần tốn chi phí xây dựng hệ thống CRM riêng cho doanh nghiệp. Một số lựa chọn phần mềm CRM tốt hiện nay:
- Salesforce CRM
- Microsoft Dynamics 365
- Bitrix24
- Zoho CRM
Data Modeling là gì? Giới thiệu một số công cụ bạn dùng để thiết kế dữ liệu
Data Modeling hay mô hình dữ liệu là sơ đồ về cách thức tổ chức, lưu trữ dữ liệu trong doanh nghiệp và các mối liên kết giữa các thông tin đó. Mục đích của data modeling là tạo ra phương pháp hiệu quả nhất để lưu trữ thông tin, đồng thời vẫn cung cấp các quy trình truy cập và báo cáo hoàn chỉnh. Các data modeling được thiết kế đơn giản và trực quan giúp cả những người am hiểu về kỹ thuật và cả những người không am hiểu cũng có thể dễ dàng hiểu được; từ đó giúp làm việc với dữ liệu một cách hiệu quả hơn.
Một số công cụ thiết kế mô hình dữ liệu phổ biến:
- Draw.io
- Lucid chart
- MySQL Workbench
- Oracle SQL Developer Data Modeler
- Erwin Data Modeler
Kể tên một số chứng chỉ phổ biến dành cho ngành IT Consultant
- Certified Technology Consultant (CTC): chứng chỉ chuyên môn dành cho một cá nhân trong lĩnh vực tư vấn công nghệ thông tin được cấp bởi Hiệp hội chuyên gia công nghệ thông tin quốc tế viết tắt là IAITP
- Certified Information Systems Security Professional (CISSP): chứng chỉ chuyên gia bảo mật hệ thống thông tin được cấp bởi Hiệp hội chứng nhận bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC)
- Certified Cloud Security Professional (CCSP): chứng chỉ cũng được cấp bởi ISC dành cho các hệ thống cloud
- IT Information Library Foundations Certification (ITIL): chứng chỉ chuyên gia công nghệ thông tin cấp bởi Axelos – một tổ chức CNTT lớn nhất thế giới
- Certified Information Technology Professional (CITP): chứng chỉ nghề nghiệp dành cho các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin
Kết bài
Trên đây là danh sách những câu hỏi phỏng vấn vị trí IT Consultant thường gặp, đây là vị trí đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về ngành công nghệ thông tin cũng như kinh nghiệm trong việc tư vấn, xây dựng các hệ thống IT trong doanh nghiệp, tổ chức. Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.
Tác giả: Phạm Minh Khoa
Xem thêm:
- Bí quyết giúp chinh phục mức lương mơ ước cho ngành IT
- Động lực để bạn trở thành một Developer
- Top 5 câu hỏi phỏng vấn Site Reliability Engineer và cách trả lời
Xem thêm Top Việc làm ngành IT trên TopDev
- L Làm thêm giờ là tốt hay xấu? Tips OT hiệu quả hơn
- 7 7 vị trí CNTT không cần code giỏi mà vẫn thành công
- B Bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam 2024
- R Reskill là gì? Sự khác nhau giữa Reskill và Upskill
- U Upskill là gì? 5 cách Upskilling bản thân hiệu quả
- 5 5 điều bạn cần phải biết khi bắt đầu một công việc mới
- 3 3 tips để “marketing” CV đến nhà tuyển dụng hiệu quả
- T Tìm hiểu ngành kỹ thuật máy tính: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp
- 4 4 cách giúp bạn thoát khỏi nhàm chán trong công việc
- M Mẹo nâng cao kỹ năng xã hội để thành công trong công việc