Sếp nhớ trả lương em gấp 10 nha (phần 1)
Tăng lương em nha sếp vì một mình em code bằng 10 người ấy ạ. Làm sao để trở thành một engineer có công lực gấp mười lần hiện nay?
Làm sao để trở thành một engineer có công lực gấp mười lần hiện nay? Có 7 cấp độ để các bạn luyện tập mà đảm bảo chính các bạn sẽ bất ngờ về chính mình sau vài tháng nhìn lại.
1. Đả thông tư tưởng – nuôi dưỡng niềm đam mê
Ông bà ta có câu nói
Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng
Câu tục ngữ nói lên nhiều điều. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn sẽ làm việc hiệu quả nhất với các vấn đề mà bạn cảm thấy hứng thú. Nếu đang làm việc mà bạn cảm thấy không hứng thú, bạn sẽ rất dễ bị xao nhãng, như đang ngồi học bài hay làm việc mà nghĩ đi tới Vũng Tàu, Nha Trang, nghĩ tới cuối tuần sẽ làm gì, nên đi chơi ở đâu… Các bạn thấy quen không? Theo bạn thì bạn có thể trở nên xuất sắc trong lĩnh vực của mình nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra không?
Có một số cách để bạn có thể vượt qua được điều này.
Nếu bạn còn là sinh viên, hãy tìm hiểu kỹ hơn về ngành nghề mà bạn đang theo đuổi để biết những gì có thể chờ đón bạn ở phía trước. Bạn còn những lựa chọn nào khác, nên làm gì là tốt nhất ở thời điểm hiện tại? Một khi đã xác định rõ việc mình cần phải làm, thì hãy hết lòng với nó. Tất nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Mình tặng bạn các phương pháp chuyên sâu hơn được đề cập ở ý thứ 3 bên dưới và kèm theo link dẫn tới một bài viết khác của mình.
Nếu bạn đang đi làm, với tư cách là người đi đã từng đi làm thuê trong nhiều năm thì mình cũng không ngoại lệ đã có những lúc rơi vào tình cảnh này. Kinh nghiệm đầu tiên giúp mình vượt qua được đó là suy nghĩ một cách công bằng.
Công ty tuyển mình vào làm việc, trả lương sòng phẳng cho mình, nên chừng nào vẫn còn ngồi tại công ty thì nếu là một người biết thế nào là phải trái, là công bằng sẽ biết cần làm việc với thái độ chuyên tâm và chuyên nghiệp nhất có thể. Suy nghĩ này đã giúp mình vượt qua được những ngày mà mình cảm thấy không thích ông sếp hay một bạn đồng nghiệp nào đó trong team.
Thay vì ngồi trách sếp thế này thế nọ, nếu đã thấy không thể gắn bó thì mình sẽ sẵn sàng tìm công việc mới, còn nếu đã quyết định ngồi lại thì mình sẽ vẫn cam kết với công việc của mình. Ngoài ra, trong xã hội kết nối như ngày nay, không gì là bí mật. Bạn hãy làm sao, để sau này dù bạn có ở bất cứ môi trường nào thì mọi người vẫn nói về bạn như là một con người chuyên nghiệp trong công việc.
Điều này dĩ nhiên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tín nhiệm của mọi người xung quanh đối với bạn. Và ngạc nhiên chưa, chỉ cần thay đổi thái độ, kết quả làm việc của mình được tốt hơn, lại cảm thấy yêu công việc hơn trước nhiều. Và bật mí luôn, là năm đó, mình đã được tăng lương, thăng tiến lên vị trí tốt hơn và có nhiều thử thách thú vị hơn nhiều đấy.
Trải nghiệm công cụ tính lương gross to net chuẩn tại TopDev
Vấn đề của bạn đang gặp phải là vấn đề của cảm xúc, và bạn đang không điều khiển được nó. Bạn có biết rằng, có nhiều nghiên cứu khoa học về cảm xúc buồn, vui, giận, hạnh phúc, đau khổ, chán nản, xấu hổ, sợ hãi, … tất cả đều chỉ là một trạng thái của tâm trí. Một khi các bạn tập quan sát cảm xúc của mình, bạn sẽ thấy điều này rất rõ.
Và tin vui là, bạn có quyền lựa chọn trạng thái cảm xúc của mình, giống như đơn giản chỉ là bật công tắc chuyển mode sang mode lạc quan. Với một tâm trí lạc quan thì cũng giống như một con máy tính chip Intel core i7 RAM 16GB mới cài hệ điều hành, bạn hiểu tôi đang nói gì Mà chắc bây giờ đã là core i9 RAM 32GB rồi đấy :))
Nếu vẫn còn chưa tìm được niềm vui trong công việc cho mình, bạn cũng đừng lo lắng quá. Bạn có biết là niềm đam mê có thể xây dựng được không? Cũng giống như tình yêu cần được vun đắp, như tình yêu thời xưa của ông bà, cha mẹ của bạn. Thời mà bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hai người cưới nhau mà chưa biết gì về nhau. Ấy thế mà cuộc hôn nhân lại rất bền, tình yêu được bồi đắp dần dần từ không có gì trở nên rất lớn.
Như mẹ của mình là giáo viên, mẹ thường tâm sự với mình là cũng có nhiều lúc chán nghề lắm, lương thấp không đủ trang trải chi phí cho gia đình, hết việc trên trường về nhà lại tiếp tục soạn giáo án, bận rộn suốt ngày. Tuy nhiên, sau đó mẹ mình lại thay đổi suy nghĩ, tập chấp nhận và nghĩ rằng vẫn còn nhiều điều thú vị.
Từ khi thay đổi suy nghĩ, bỗng mẹ mình lại thấy rất nhiều chuyện trước giờ không nhận thấy, tìm thấy những cái hay từ các câu hỏi và câu trả lời của các em học sinh, hay sự ngây thơ của các em sẽ luôn khiến cho tâm hồn của mình cũng trẻ theo, rồi cảm nhận niềm vui vô bờ khi được nhìn thấy những thế hệ mình đào tạo trưởng thành nên người, thành công. Đó đều là những đặc ân của ngành giáo.
Và rốt cuộc là mẹ mình đã theo nghề giáo mấy chục năm đến cả khi về hưu, mà vẫn có thể nuôi được 3 chị em mình học đại học và có công việc tốt, mình thì đi làm ở Hàn Quốc, còn chị mình thì vừa tốt nghiệp tiến sĩ ngành CNTT ĐH Queensland năm trước, hiện đang giảng dạy tại Úc luôn.
Thế nên, nhiều lúc khi câu trả lời còn chưa rõ, hãy tự tin tiến bước, để rồi khi nhìn lại bạn sẽ thấy chặng đường mình đã đi thật thi vị. Cũng giống như bài diễn văn Connecting the dots của Steve Jobs, nhiều việc nhìn tới mình không thể thấy được, nhưng khi nhìn lui lại mọi thứ đều thật kết nối với nhau.
Mình vẫn còn một nghiên cứu và một bí kíp rất hay về chủ đề này, tuy nhiên, bạn hãy thư giãn đọc hết bài này, và bài tập trung và làm việc sâu mình đề cập ở dưới đây trước khi tới phần đó nhé.
2. Gõ bàn phím như hacker
Khi đã đả thông tư tưởng, bạn quyết định đi trên con đường này rồi, giờ sẽ đến lúc cần luyện tuyệt chiêu.
Tuyệt chiêu đầu của bạn cần có để có thể nâng công suất lên 10 lần, là gõ bàn phím được 10 ngón nhé các bạn, và setup tất cả thể loại hotkeys để chỉ với một nhát bạn có thể tung được nghìn chiêu.
Nhớ nhẹ một chút, ngày xưa mình hay chơi các trò chơi đánh chữ mười ngón, sau một hồi cũng lên cơ kha khá đấy. Tốc độ trung bình hiện tại của mình là 117 từ/phút (117wpm), và thỉnh thoảng vẫn tiếp tục luyện.
Ngày nay thì càng có vô vàng trò chơi để tập luyện kỹ năng đánh máy, bạn có thể thử ngay ở đây nhé https://play.typeracer.com/
Kể vui một chút, lúc phỏng vấn các ứng viên mình thường cho bài test code thật trên máy, nhìn cách các bạn thao tác máy tính và đánh máy mình có thể nhìn ra bạn ấy có phải là dân thực sự ghiền công nghệ hay không, nên cẩn thận cảnh giác với những người tuyển dụng như mình nhé.
3. Tuyệt chiêu phím tắt
Cũng liên quan đến bàn phím, tuyệt chiêu gắn rất chặt với một anh kỹ sư 10x, đó là kỹ năng sử dụng phím tắt (hotkey)
Với những ai dùng hệ điều hành Windows có thể biết có một siêu hotkey là nút Windows, chỉ cần nhấn 1 nút là mở ra ngay Start Menu để có thể truy xuất / tìm kiếm chương trình rất nhanh.
Tiếp tục, thử tưởng tượng nếu bạn cần mở ra trình duyệt file, bạn sẽ làm gì? Bạn có thể bấm thu nhỏ lần lượt từng cửa sổ, rồi rê chuột vào My Computer, rồi nhấp đúp vào. Vậy bạn đã thử bấm tổ hợp phím Windows + E
chưa, E là viết tắt của “Explorer” là trình duyệt file đó các bạn. Mở ra ngay trình duyệt file trong vòng 1 nốt nhạc.
Người dùng Mac cũng tương tự, nút Command + Space có thể popup ra Spotlight để tìm và truy xuất chương trình nhanh chóng.
Tuy nhiên, bạn có nghĩ hotkey chỉ dừng lại ở đó không? Theo mình, cái quan trọng hơn hotkey là cái mindset, là tư duy optimize mọi thứ bạn làm. Nếu bạn là người như vậy, bạn sẽ thấy có một khao khát luôn luôn cháy bỏng để đi tìm hotkey cho mọi thao tác trên máy tính, mọi phần mềm. Khi dùng một phần mềm mới, việc đầu tiên của bạn sẽ là đi tìm tổ hợp phím tắt mà nó có hỗ trợ.
Ví dụ list phím tắt của Ubuntu, dĩ nhiên bạn có thể tùy chỉnh lại theo ý thích của mình.
Câu hỏi cho ai dùng Ubuntu: nếu bạn cần mở terminal để đánh câu lệnh, bạn sẽ làm như thế nào? Câu trả lời có thể là dư thừa, bởi mình nghĩ quan trọng ở tư duy của bạn, chỉ cần đặt được câu hỏi, bạn đã có thể có câu trả lời (google là công cụ rất tuyệt vời cho mọi vấn đề mà phải không, không tin nữa ư, bạn có thể thử đánh phím tắt mở terminal ubuntu
, hoặc tiếng Anh thì open terminal hotkey ubuntu
)
Đá qua một chút, mặc dù không phải phím tắt, bạn đã bao giờ thử vào sheet.new chưa. Thử đi bạn nhé. Rồi bạn sẽ thấy nữa, khi dùng Excel hay google sheet, rất nhiều cụm phím tắt làm bạn “trông pro” hơn nhiều :))
Hãy thử chọn 5 ô liên tiếp trong google sheet, rồi bấm tổ hợp Ctrl Alt +
, bạn có thể nhanh chóng chèn ô/hàng/cột từ vị trí ô hiện tại mà không cần rê chuột đi đâu cả.
Bạn có thể thử với Ctrl Alt -
để xóa.
Mình nhắc lại, key của phần này chính là tư duy, nếu bạn có tư duy optimize, bạn sẽ tự đặt câu hỏi và đi tìm để optimize cho mọi thứ bạn làm.
À muốn nữa không? Thử vào doc.new, slide.new để thấy sự kỳ diệu nghen các bạn.
4. Tập trung và làm việc sâu
Đây là một bài mình đã talk ở team VeXeRe và ở BarCamp@SaiGon 2019.
Nếu đọc được sách tiếng Anh, mình khuyến khích các bạn đọc cuốn Deep work của Cal Newport, cuốn sách nêu lên một số luận điểm rất hay và hợp lý để có thể tỏa sáng trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt như ngày nay.
Làm việc sâu – deep work là khả năng làm việc tập trung vào một vấn đề nhiều giờ hay nhiều ngày liên tiếp, không bị gián đoạn.
The ability to perform deep work is becoming increasing rare at exactly the same time it is becoming increasingly valuable in our economy – Deep work hypothesis of Cal New Port
Dịch nghĩa: khả năng làm việc sâu đang trở nên ngày càng hiếm và cũng đồng thời trở nên ngày càng có giá trị trong nền kinh tế ngày nay.
Nhiều công trình lớn trên thế giới như Thuyết tương đối của Einstein, hay lời giải cho Định lý lớn Fermat bởi giáo sư người Anh là Andrew Wiles – sau hơn 350 năm không có lời giải. Luận điểm này dựa trên cơ sở rằng cuộc sống ngày nay đang vận động với tốc độ quá nhanh, nhanh hơn ngày xưa gấp nhiều lần, có vô vàn những cơ hội đồng thời những xao nhãng diễn ra xung quanh chúng ta.
SMS, email, điện thoại, các ứng dụng chat, vô vàn trang web, vô vàn bộ phim hay, vô vàn sách vở, vô vàn mối quan hệ (do thế giới trở nên quá phẳng, một phần từ sự viral quá lớn của mạng xã hội facebook), tất cả điều đó làm cho bạn dường như không thể tập trung vào một vấn đề liên tục trong thời gian dài tốt như thời đại trước nữa. Trừ phi, bạn nhận ra điều đó, nhận thức được sự nghiêm trọng của sự thiếu tập trung, và có mong muốn thực sự trong việc cải thiện nó.
Mình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng hiệu quả trong thực tế trong những năm gần đây. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này ở link này
5. Công cụ tốt
Từ lịch sử nghìn năm nay, với công cụ tốt con người đã tạo ra năng suất vượt bậc. Vậy với các bạn lập trình viên, còn chần chờ gì nữa mà không tự kiếm cho mình bộ công cụ tốt nhất? Bộ môn này cũng có từ cơ bản đến nâng cao, và dành riêng cho người dùng Mac và Windows. Tôi sẽ sớm public các bài tiếp theo để các bạn có thể vọc liền tay.
Có rất nhiều loại công cụ tốt cho nhiều mục đích khác nhau.
Với các bạn lập trình viên quen dùng Windows, bạn có thể xem xét chuyển về dùng Linux (Ubuntu là một lựa chọn tốt). Với việc hỗ trợ tốt với các thao tác bằng bàn phím, hỗ trợ docker native, độ tương thích cao đối với rất nhiều framework opensource hiện nay. Có thể nói đây là môi trường rất tốt cho dev. Bạn có thể xem hướng dẫn cách cài đặt môi trường Ubuntu làm thế nào để có thể đạt hiệu suất cao nhất dành cho dev ở đây
Một tin vui khác cho các bạn không nỡ rời xa HĐH Windows, cùng với bản cập nhật vào cuối tháng 4 này, Microsoft sẽ mang đến cho bạn rất nhiều cải tiến tuyệt vời, đáng chú ý là sự hỗ trợ chính thức cho môi trường Windows Subsystem for Linux thế hệ thứ 2 – hỗ trợ Linux native 100% dẫn đến việc bạn có thể chạy docker ngay bên trong WSL, kèm theo đó rất nhiều tiện ích hỗ trợ cho công việc như đặt tên màn hình ảo để tiện gom nhóm các phần mềm theo công việc (cái này rất quan trọng trong việc nâng cao sự tập trung và tăng hiệu suất khi chuyển qua lại giữa các chương trình).
Mình đã thử cài bản Insider Preview về cài và test thử, mọi thứ rất tuyệt vời. Nếu bạn quan tâm, hãy để lại comment bên dưới mình sẽ viết tiếp một bài hướng dẫn chi tiết cách tweak HĐH Windows như thế nào cho hiệu suất gấp 10 nhé.
Đối với các bạn đang dùng máy Mac, tin vui cho các bạn là đó là một lựa chọn rất sáng suốt. HĐH MacOS vốn xuất thân từ gốc Unix nên các câu lệnh bash tương thích với Linux, rất tiện cho việc lập trình. Đồng thời, Apple luôn nổi tiếng trau chuốt rất nhiều trong trải nghiệm người dùng, do đó qua việc quan sát các bạn dùng MacOS, mình thấy đa phần khá ổn.
Còn có cả nghiên cứu nói rằng những người dùng máy Mac thường có hiệu suất cao hơn các HĐH khác 30% cơ đấy, điều này tất nhiên cần kiểm chứng kỹ hơn. Tuy nhiên ngay cả nếu bạn đang dùng máy Mac, vẫn có rất nhiều tuyệt chiêu để nâng tiếp 10 lần hiệu suất nữa. Một trong số đó bạn có thể tham khảo từ phần hướng dẫn setup cho HĐH Ubuntu (các phần liên quan đến terminal, zsh, vì các phần mềm này chạy được trên MacOS). Phần còn lại mình hẹn sẽ đề cập trong bài viết khác.
6. Kỹ năng đặt mục tiêu và quản lý thời gian để đạt mục tiêu
Lẽ dĩ nhiên, cách duy nhất mà sếp của bạn đánh giá bạn là qua các mục tiêu mà sếp đặt ra cho bạn, hoặc do bạn tự đặt ra, và khả năng đạt được hay vượt các mục tiêu đó.
Thế nên, để nhắc nhỏ sếp tăng lương cho bạn, cách tốt nhất là bạn hãy chứng tỏ mình có thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng, liên tục và thường xuyên. Nếu bạn đã được như vậy rồi, bài viết này không dành cho bạn. Nếu không thì bạn hoặc là thuộc tuýp người không đặt mục tiêu, hoặc là thuộc tuýp người đặt mục tiêu nhưng không làm nó tới cùng.
Có bao nhiêu lần bạn buông một câu kiểu như
Mình quyết tâm học Anh Văn
, hayMình quyết tâm từ nay sẽ chạy bộ mỗi sáng
Các mục tiêu vô thưởng vô phạt như vậy là một trong những lý do rất lớn khiến cho bạn không thể đạt được mục tiêu. Vì mục tiêu không rõ ràng và cũng như không có bất cứ động lực nào rõ ràng để hoàn thành nó.
Mình tham gia nhiều khóa học và đọc nhiều sách về chủ đề này. Cuốn tâm đắc nhất và là cuốn gối đầu giường của mình là cuốn 7 thói quen của người thành đạt của tác giả Stephen Covey. Và vì chủ để này rất hay cũng như để có thể giúp được bạn thì nó cần được mô tả có logic và đầy đủ hơn, do đó mình xin phép được chia sẻ riêng trong một bài viết sau.
Tuy nhiên, bạn có thể giúp mình trước hết bằng việc thử đi trả lời các câu hỏi sau:
- Đâu là 3 lý do lớn nhất khiến mình trì hoãn không chịu đặt mục tiêu?
- Đâu là 3 lý do lớn nhất khiến mình thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu?
- Nếu chỉ chọn một mục tiêu có thể đạt được trong năm 2020, bạn sẽ chọn mục tiêu đó là gì?
7. Lối sống cân bằng từ bên trong
Bạn là lập trình viên, bạn biết rất rõ một chiếc máy vi tính sẽ không thể đạt được hiệu suất cao nhất nếu CPU trở nên quá nóng và luôn trong tình trạng chạy 100% công suất.
Do đó bạn cần luôn nhìn nhận lại cuộc sống của chính mình, có gì mất cân bằng không? Lưu ý việc mất cân bằng và việc dành quá nhiều thời gian cho công việc không hẳn là liên quan với nhau, nếu bạn làm mà cảm thấy như không làm, làm mà cảm thấy vẫn như đang chơi thì tinh thần vẫn hoàn toàn thoải mái và hiệu suất vẫn cao.
Vậy làm sao để có thể có được lối sống cân bằng đó?
Cách đây hơn 5 năm, mình đã rất may có cơ duyên được tiếp xúc với một phương pháp mà dạo gần đây đang ngày càng được quan tâm rộng rãi, đó là thiền. Không như suy nghĩ của nhiều bạn, thiền có thể không liên quan đến tôn giáo nào cả. Có một phương pháp gọi là thiền chú ý hay thiền chánh niệm, tiếng anh gọi là mindfulness meditation và nó đơn giản đến nỗi bất kỳ ai cũng có thể tập được.
Thiền được định nghĩa là khi một người tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc và không có bất cứ phán xét gì tại một thời điểm nhất định trong hiện tại. Chỉ với 5 phút mỗi ngày, ngồi yên không suy nghĩ hoặc đơn giản là theo dõi nhịp thở vào ra, bạn đã có thể bước vào con đường thiền định để ổn định tâm trí và tạo sự tập tập trung tối đa cho mọi vấn đề hóc búa.
Ngoài nâng cao hiệu suất tập trung, thiền còn có tác dụng khác. Nói nôm na là trong bạn có hai thành phần quan trọng nhất là cơ thể và tâm hồn. Xưa giờ bạn đã rất thiên vị khi chỉ suốt ngày chăm sóc cho thân thể, tập gym, chạy bộ mà không bao giờ để ý đến tâm hồn của mình. Lẽ dĩ nhiên cái gì mất cân bằng đều sẽ không tốt. Và thiền chính là cách để cho bộ não tạm thời nghỉ ngơi một cách toàn diện.
Dưới đây là một câu chuyện Ông vua và 4 bà vợ rất sâu sắc, bạn có thể nghe và cảm nhận.
Bộ môn này thật ra có cả trăm điều vi diệu khác và tôi hứa sẽ truyền tải đến với các bạn ở các bài viết sau. Phương Tây đã nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp làm sao để thành công, như giao tiếp thành công, quản lý thời gian thành công, quản lý cảm xúc thành công.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tất cả phương pháp đó đều đúng, nhưng hoàn toàn không dễ để thực hiện. Và không may là sự khác biệt lại nằm ở phần thực hiện những nguyên tắc ấy. Gần đây hơn, có nhiều nghiên cứu của khoa học phương Tây dành cho thiền, họ đã khám phá ra vô vàn điều thú vị xung quanh, mà có thể rút gọn lại một ý là nếu bạn tập thiền thường xuyên, bạn có thể làm được những điều mà đáng lẽ bạn nên làm để thành công, một cách đều đặn và thường xuyên.
Thế đấy, vượt qua 7 cấp độ này, bạn sẽ không còn nhận ra mình nữa đâu. Thế giới quan thay đổi, bạn thành công, lương cao, công việc tốt. Hẹn gặp lại bạn sớm trong các bài viết chuyên sâu kì sau.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- X Xu hướng tuyển dụng IT tại Việt Nam 2024 – 2025: Đón đầu làn sóng công nghệ mới
- C CV bản cứng là gì? Cần lưu ý gì khi nộp CV bản cứng?
- P Portfolio là gì? Những lỗi phổ biến khi làm portfolio
- N Những tác động to lớn của trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng
- T Tại sao hồ sơ của bạn chưa được gọi đi phỏng vấn?
- A Applicant Tracking System là gì? ATS hoạt động ra sao
- G Giải mã bí quyết quản lý nhân viên IT là Gen Z thành công
- C Cách đăng tin tuyển dụng trên Facebook với 5 tuyệt chiêu tối ưu
- V Vì sao lương khủng, đãi ngộ tốt vẫn khó tuyển IT?
- [ [Update] 5 xu hướng tuyển dụng IT 2024 không thể bỏ qua