Sinh viên CNTT làm thế nào để học tốt ở trường đại học?
Tôi vẫn còn nhớ rõ thời điểm này cách đây đúng bốn năm. Khi ấy, tôi và các bạn cùng khoá vừa bước vào giảng đường đại học. Nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi vào lúc ấy là câu hỏi trên. Tôi đã từng thấy rất nhiều người tài giỏi xuất thân ngành CNNT, nhưng cũng nghe rất nhiều anh chị than thở về việc học ở đây, học CNTT như thế nào cho đúng. Phải có điều gì tạo nên sự khác biệt, và tôi luôn thôi thúc bản thân mình tìm ra câu trả lời chính xác nhất.
Trong suốt thời gian học CNTT, tôi quan sát những người học trên mình vài khoá, học hỏi từ các bạn bè, và tự rút tỉa từ các kinh nghiệm bản thân. Qua những điều đã học, tôi nhận ra rằng hoàn toàn có thể học tốt ngành CNTT, và điều tạo nên sự khác biệt chính là phương pháp.
Vài hôm trước, có bạn sinh viên khoá dưới hỏi tôi rằng:
“Làm sao để học tốt CNTT?”
Thật thú vị. Bốn năm đã qua, giờ đây tôi gặp lại câu hỏi trên. Đó chính là động lực khiến tôi phác thảo ra bài viết này.
Bài viết này phục vụ cho ai?
Thứ nhất, tôi muốn truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho các bạn sinh viên chuẩn bị vào trường. Kể cả các bạn sang năm hai cũng có thể tìm thấy những điều bổ ích ở đây. Các bạn còn rất nhiều cơ hội phía trước.
Ngoài ra, các bạn sinh viên năm ba, bốn vẫn có thể cùng tôi chia sẻ những phương pháp được giới thiệu ở đây. Bởi vì, không có gì là quá muộn để bắt đầu. Hy vọng bài viết này có thể giải đáp phần nào những thắc mắc của các bạn.
Cuối cùng, tôi mong rằng bất kỳ ai đang học tập và làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng có thể tham khảo rồi đóng góp ý kiến cho bài viết. Đây là câu hỏi của mọi người, nên tốt nhất là để mọi người cùng tham gia trả lời. Một điều rất thú vị trong ngành CNTT là ứng với mỗi thắc mắc của một người, luôn tồn tại ít nhất một ai đó có thể giải đáp, thế nhưng vấn đề là hai người có thể tìm thấy được nhau hay không.
Tuyển dụng Fresher IT mới nhất cho bạn
Nhưng thật ra, khái niệm học tốt nghĩa là gì?
Chúng ta hãy xét hai sinh viên A và B vừa mới tốt nghiệp. Anh A tốt nghiệp với điểm số tuyệt vời, nhận được rất nhiều bằng khen. Dĩ nhiên, có người sẽ cho rằng anh ta học gạo, rằng anh ta sống chết vì điểm số trong suốt bốn năm rưỡi qua. Trong khi đó, anh B có điểm số không mấy ấn tượng. Anh ấy lý giải rằng thời gian được anh ấy dùng để trui rèn kiến thức chuyên ngành, kể cả những kiến thức bên ngoài phạm vi giảng dạy ở trường, nên anh ấy không quan tâm nhiều đến các kỳ kiểm tra. Dĩ nhiên, cũng có người cho rằng điểm số ấy sẽ khiến anh mất nhiều thời gian hơn đối với nhà tuyển dụng. Thật ra, bạn chỉ cần đạt được thành tích như một trong hai người trên đã là học tốt rồi. Nếu đạt được cả hai, bạn có thể tự hào rằng mình đã học rất tốt.
Ngược lại, vì không có được cả hai điều, bạn trông đợi vào tấm bằng đại học sẽ giúp mình đạt được một mục tiêu nào đó. Thế thì bạn đã học bình thường. Cuối cùng, nếu bạn không có được bất kỳ điều nào trong ba điều kể trên, thì lẽ ra bạn cần suy nghĩ về chúng sớm hơn, và đã phải có một hành động nào đó để xoay chuyển tình thế. Bạn đang ở tình trạng báo động!
Tóm lại, nếu không được như anh A hay anh B, bạn đã không học tốt ngành CNTT.
3 nguyên tắc quan trọng cần nhớ
Nếu phải đúc kết toàn bộ kinh nghiệm để thành công khi học CNTT bằng một từ duy nhất, nhiều người sẽ không ngần ngại trả lời: “học nhóm”. Hoàn toàn chính xác. Ngoài ra, bạn cũng cần biết thêm hai nguyên tắc nữa, đó là “tự đánh giá” và “tự học”.
Nguyên tắc #1: Những ích lợi của học nhóm
Học nhóm (group-study) được đề cập rất nhiều ngay từ thời chúng ta còn học phổ thông. Nhưng vào thời điểm đó, học nhóm hay không học nhóm, điều đó không mấy khác biệt. Có khác biệt chăng là ta có nhiều cơ hội để chơi đùa với bạn bè hơn 😎 Nhưng ở môi trường đại học, đây là yếu tốt vô cùng quan trọng.
Hầu hết mọi sinh viên chúng ta đều chơi trong ít nhất một nhóm bạn nào đó. Hiểu một cách đơn giản, bạn bè là những người có chung một sở thích, suy nghĩ nào đó khiến họ kết hợp lại với nhau. Chúng ta có thể nhận ra có những hình thức kết bạn như sau:
Xét về quê quán, có nhóm Quảng Nam, nhóm Tiền Giang, nhóm Sài Gòn…
Xét về nơi ở, có nhóm Ký Túc Xá, nhóm ở chung phòng trọ,…
Xét về trường phổ thông, có nhóm Lê Hồng Phong, nhóm Năng Khiếu,…
Xét về giới tính, có nhóm các bạn nữ, nhóm các bạn nam.
Xét về giải trí, có nhóm đá banh FIFA, nhóm đánh War Craft, nhóm bắn Half Life…
Xét về ăn uống, có nhóm Lẩu dê, nhóm Lẩu Cá kèo, nhóm Bia hơi…
Xét về tình cảm, có nhóm những bạn đang yêu nhau, nhóm những bạn đang tìm hiểu
nhau…
Xét về sinh hoạt xã hội, có nhóm Mùa hè xanh, nhóm làm web, nhóm Cán bộ Đoàn…
Ngoài ra, có nhóm những người quen nhau lúc vừa vào đại học, nhóm cầu lông, nhóm văn nghệ, nhóm Linux, nhóm xe Su xì po và điện thoại Nó kìa, vân vân và vân vân.
Tất cả các nhóm trên, nhóm nào cũng có cái hay của riêng nó. Đời sinh viên của bạn cũng nên “nếm trải” qua mùi vị của vài nhóm. Nếu bạn đang ở trong một nhóm nào đó, thì sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể đưa nhóm mình từ hình thức hiện tại trở thành nhóm những người bạn cùng học tốt CNTT (gọi tắt là nhóm học tốt).
Đạt được điểm số cao không phải là một nhiệm vụ bất khả thi!
Hỗ trợ nhau học tập sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho mỗi thành viên. Thứ nhất, đây là cách thức hiệu quả nhất để bạn có được điểm số cao trong học tập. Có một số người rất thông minh (theo đánh giá của bản thân họ và của những xung quanh), nhưng thi cử lại rất lận đận. Có một số người rất chăm chỉ, nhưng điểm số cũng không được như ý. Bởi vì họ chưa biết cách học và thi cho thật tốt.
Bí quyết đơn giản nhất để có được điểm cao trong các kỳ thi là phải “luyện” thật nhiều. Luyện gì ư? Hãy luyện các đề thi. Bạn có thể tìm thấy đề thi các năm trước ở các tiệm photo trong trường. Xem qua chúng và giải các bài trong đó, với phương châm: nhiều hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Nghe qua thì có vẻ dễ dàng và đơn giản quá, nhưng thật ra không có nhiều người có thể làm được.
Nhiều người hăm hở đi tìm các đề thi cũ ngay từ những tuần đầu tiên của học kỳ. Thế rồi, lòng kiên nhẫn của họ sớm bị thử thách vì có quá nhiều đề thi trong đó. Một bộ đề có từ 5 đến 15 đề. Mỗi đề có từ 4 câu hỏi trở lên, nếu là đề thi trắc nghiệm thì còn nhiều hơn nữa. Nên nhớ rằng một học kỳ lý tưởng (nghĩa là không phải trở nợ môn nào) cũng có ít nhất 7 môn học. Bỏ đi những môn lý thuyết thuần tuý, rồi làm một phép nhân đơn giản, cũng dễ thấy rằng một cá nhân không thể nào giải được phân nửa số lượng đề thi đó. Hơn nữa, làm sao người đó chắc chắn rằng những gì mình giải là đúng. Các bộ đề thi đều không có đáp án (nếu có thì cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào chúng). Và bởi vì phải làm ngày làm đêm mà vẫn chưa hết, họ sẽ không có thời gian để hệ thống hoá, rút ra những kỹ thuật giúp làm bài nhanh hơn. Thế đấy, họ đã làm không nhiều, không nhanh và cũng không chính xác. Rồi đến ngày thi, họ có thể bị sốc vì gặp phải một vấn đề hoàn toàn mới lạ, không làm kịp bài vì không “quen tay”, hay làm rồi mà không biết mình sai hay đúng. Đây cũng là một trong những lý do vì sao điểm số của sinh viên khoa CNTT thường rất thấp. Nếu bạn chỉ trông cậy vào sự thông minh của mình và trông cậy vào sự rộng lượng của giáo viên chấm thi, tức là bạn đã phó thác kết quả học tập của mình cho sự may rủi.
Thay vì vậy, hãy tập hợp thành những nhóm nhỏ và cùng nhau học thi. Từng người trong nhóm sẽ đảm nhận 2,3 môn. Đối với từng môn, người đó sẽ chịu trách nhiệm hệ thống lại kiến thức của toàn môn học, nhấn mạnh những điểm quan trọng. Ngoài ra, cũng cần phải giải hết các đề thi, sau đó chọn lựa những bài tinh hoa nhất rồi đề nghị những người còn
lại giải qua. Như vậy, bất kỳ người nào trong nhóm cũng có cơ hội giải qua tất cả các dạng bài tập. Hiển nhiên, điều quan trọng là làm quen được càng nhiều dạng bài tập càng tốt, chứ không phải số lượng bài tập đơn thuần. Nhưng điều này khó có thể được thực hiện nếu chỉ có một cá nhân duy nhất, bởi vì không thể phân loại được các dạng bài tập
nếu chưa từng giải qua tất cả các bài tập hiện có. Sau đó, những người trong nhóm sẽ trao đổi kết quả với nhau. Điều này sẽ giúp các thành viên biết được mình đã làm đúng hay chưa. Dĩ nhiên, kết quả cuối cùng của nhóm không hẳn đã là kết quả đúng. Nhưng đó chắc chắn là kết quả tốt hơn rất nhiều so với một người. Ngoài ra, cũng phải xét đến yếu tố xác suất. Kết quả của một nhóm 3,4 người thường cũng là kết quả tốt nhất của 200 người cùng một khoá. Vì vậy, bạn sẽ không sợ rằng điểm thi của mình thấp hơn bất kỳ ai.
Hình thức học thi tốt nhất là mỗi người tự giải đề thi ở nhà rồi gặp nhau ở một số buổi. Trong những buổi này, ngoài việc trao đổi kết quả, các thành viên còn chỉ bảo cho nhau những kỹ thuật đặc biệt giúp tăng tốc, hoặc giảm thiểu sai sót khi làm bài. Tôi và các bạn của tôi thường ghi lại các vấn đề này thành các tài liệu rồi trao đổi với nhau. Một lợi ích không thể không nhắc đến của việc cùng học thi là nó sẽ thúc đẩy các thành viên chăm chỉ hơn. Sự ganh đua, hợp tác sẽ giúp mọi người cảm thấy việc giải một số lượng lớn các bài tập trong một thời gian ngắn đỡ nhàm chán hơn so với khi làm một mình.
Nhiều người hay than thở về điểm số của mình, cho rằng do mình còn lười biếng, do khối lượng kiến thức nhiều quá, do đề thi ở đâu đâu… Có lẽ họ đã quên bài học từ thời phổ thông. Làm sao họ đã thi đậu vào ngành CNTT, nếu không phải vì đã chăm chỉ giải các đề thi đại học đến mức thuần thục? Việc thi cử ở đại học cũng không khác mấy, thế mà họ đã sớm ngủ quên trên chiến thắng. Hãy làm các bài tập trong sách, do giảng viên cho, trong các bộ đề. Và hãy cùng làm với những người bạn của mình. Đó là bí quyết đơn giản để có điểm số cao.
Nhóm học tốt giúp tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn
Nếu học CNTT hơn bốn năm trời mà chỉ có luyện giải bài tập thì thật còn khổ hơn sống dưới địa ngục. Nhưng bạn đừng quá thật vọng. Theo quan sát của tôi, ngay cả những sinh viên đạt được điểm số cao nhất ở khoa CNTT cũng chỉ dành tổng cộng tối đa là 6 tuần trong một học kỳ để tập trung học thi. Mà một học kỳ có đến 15 tuần, cộng thêm 3 đến 4 tuần dành cho thi cử. Ngoài ra còn chưa kể đến khoảng thời gian nghỉ hè và nghỉ Tết. Như vậy, dù cho thi cử có là sự đối phó đối với bạn, thì bạn vẫn còn rất nhiều thời gian để học và làm những gì mà bạn cho rằng thật sự cần thiết.
Ngoài điểm số, ranh giới giữa một sinh viên học tốt và một sinh viên học chưa tốt còn nằm ở chỗ ai biết tận dụng khoảng thời gian rộng rãi này. Một nhóm học tập hoạt động hiệu quả sẽ giúp các thành viên biết làm đúng việc vào đúng thời điểm.
Chẳng hạn, câu hỏi “Tôi nên học ngôn ngữ lập trình nào đây?” là thắc mắc thường thấy nhất của sinh viên năm một, năm hai. Nếu chỉ có một mình, bạn có thể sẽ loay hoay mãi với câu hỏi này, hoặc sự lựa chọn của bạn là không chính xác, hoặc bạn đã học được đúng ngôn ngữ cần thiết những chưa đạt được đến độ sâu kiến thức. Giáo viên hay những sinh viên khoá trên cũng có thể giúp đỡ, nhưng sẽ không hiệu quả bằng bạn bè cùng giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì người hiểu khả năng của bạn nhất chính là bản thân bạn, người thứ hai là người thường xuyên làm việc với bạn. Người giỏi cách mấy nhưng không hiểu về bạn thì khó có thể đưa ra một lời khuyên phù hợp được.
Thực sự thì rất khó để đưa ra một phương pháp cụ thể để hướng dẫn một nhóm đi đến thành công. Có lẽ cách tốt hơn là tôi nêu ra những kinh nghiệm và những nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, mọi hoạt động phải có mục tiêu rõ ràng.
“Chúng ta sẽ học Java trong học kỳ này” là một mục tiêu. Nhưng chưa rõ ràng. Học Java để làm gì? Làm sao chắc rằng chỉ cần một học kỳ là xong? Học xong rồi thì làm gì tiếp? Học như thế nào đây? Nhiều nhóm bắt đầu với một mục tiêu như trên, nhưng rồi không xác định được những việc làm cụ thể để ràng buộc các thành viên. Thế rồi học kỳ này trôi qua một cách nhanh chóng. Sang học kỳ mới, mục tiêu đổi thành: “Chúng ta sẽ cố gắng học Java trong học kỳ này”. Lại một học kỳ trôi qua. Đến học kỳ kế tiếp, mục tiêu mới sẽ là “Chúng ta sẽ học C# trong học kỳ này”. Repeat … Until 3>5.
“Chúng ta sẽ viết một chương trình tương tự như Address Book của Windows, viết bằng Java”. Đây là một mục tiêu rõ ràng hơn. Do đó, nó có khả năng đưa nhóm đến thành công cao hơn. Nhưng chưa đủ. Cần làm rõ hơn nữa. Cho đến khi nào các thành viên cảm thấy rằng việc học Java cũng thúc ép như việc thi học kỳ, tức là nhóm đã tạo ra được một môi trường hiệu quả cho các thành viên cùng học tập.
Thứ hai, phải kiên trì. Bất kỳ nhóm học tập nào cũng gặp khó khăn, không sớm thì muộn. Có thể là do khó khăn của riêng một cá nhân, chẳng hạn không đủ thời gian, chưa đủ trình độ, không hợp tính,… Cũng có thể cách tổ chức nhóm chưa hiệu quả. Cho dù hoàn cảnh có thật vọng thế nào đi nữa, hãy cố gắng tiến lên. Vì nếu bỏ cuộc, bạn chỉ còn lại hai lựa chọn. Hoặc là tập trung hoàn toàn vào việc học vì điểm số, nó không thú vị lắm đâu. Hoặc là buông xuôi tất cả, nghĩa là cuộc đời sinh viên của bạn đã chấm hết.
Nguyên tắc cuối cùng, nếu một người trong nhóm nản chí, bạn hãy truyền sự kiên nhẫn của mình cho người đó. Đây là lợi ích lớn nhất và cũng là duy nhất mà việc học một mình không thể có được. Edison từng nói: “Nhiều người bỏ cuộc ngay khi họ ở cách sự thành công một khoảng rất ngắn”. Sự động viên, giúp đỡ, ganh đua lẫn nhau trong nhóm tạo nên động lực mạnh mẽ cho các thành viên. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, một nhóm học tập xuất phát từ nhóm những người bạn thân thường dễ xây dựng được những giá trị này hơn.
Hãy liên kết lại
Nếu bạn đang lẻ loi và cảm thấy mình học chưa tốt. Hãy tìm những người bạn. Nếu bạn đang lẻ loi nhưng tin rằng mình đang học tốt, bạn vẫn nên tìm những người bạn để có thể học tốt hơn. Hầu như những nhân vật thành công trong ngành CNTT đều có những người bạn cũng thành công không kém, họ đã từng cùng học tập và làm việc với nhau suốt thời tuổi trẻ: Bill Gates và Paul Allen ở Microsoft, Jerry Yang và David Filo ở Yahoo!,…
Một nhóm học tập hiệu quả được đánh giá qua một tiêu chuẩn duy nhất: nhóm ấy có giúp các thành viên hài hoà cả đối nội (học các môn trong trường và có điểm số tốt) lẫn đối ngoại (học những kiến thức vốn rất rộng lớn trong ngành CNTT). Nói cách khác, nhóm ấy có giúp thành viên học tốt hơn hay không.
Nên nhớ rằng, tập hợp những người học tốt lại với nhau không phải là cách để thành lập nhóm học tốt. Ngược lại, nhóm học tốt là nhóm mà nhờ chơi với nhau, những người bạn trong đó trở thành những người học tốt.
Người đời thường nói: chọn bạn mà chơi. Tương tự, hãy nói cho tôi biết bạn đang chơi với ai, tôi sẽ cho biết bạn có đang học tốt CNTT hay không 🙂 .
Nguyên tắc #2: Phải biết tự đánh giá mình
Không ai trong chúng ta lại muốn rằng sau bốn năm rưỡi học đại học, trình độ của mình so với lúc mới vào cũng chẳng khác là bao. Những viễn cảnh đen tối ấy hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn không có khả năng tự đánh giá bản thân mình.
Tự đánh giá có nghĩa là biết mình đang ở đâu. Ngay học kỳ đầu tiên, có thể bạn sẽ cảm thấy thua thiệt so với một số bạn bè. Nhưng đừng than thở rằng trước kia (hồi phổ thông), bạn chưa được chuẩn bị về kiến thức tin học cơ bản, chưa từng học qua lập trình, chưa quen đọc sách tiếng Anh. Cũng đừng nản chí nếu bạn chưa có máy vi tính, chưa tiếp xúc với Internet. Đó là những suy nghĩa tiêu cực và sẽ làm giảm sức phấn đấu của bạn. Mọi sinh viên trúng tuyển vào ngành CNTT đều dựa trên năng lực của họ, hoàn toàn không căn cứ vào điều kiện hay kiến thức chuyên ngành sẵn có. Tất cả được giả định là bắt đầu từ con số 0. Mọi người cùng có một chương trình học, cùng có một lượng thời gian, hoàn toàn bình đẳng như nhau. Nếu bạn chưa có gì, tức là bạn giống như phần đông sinh viên ở đây. Còn nếu bạn đã có sẵn nền tảng về tin học, đấy là một thuận lợi nhất định, nhưng không bảo đảm bạn sẽ học tốt hơn những người không có sự thuận lợi ấy. Xin nhắc lại, hoàn toàn không có sự bất lợi giữa những sinh viên khi mới vào đại học. Dĩ nhiên, ở đây tôi không xét đến những trường hợp đặc biệt khó khăn về tài chính, những bạn sinh viên này thật sự cần sự trợ giúp từ nhiều nguồn khác nhau.
Tự đánh giá còn có nghĩa là biết được bản thân mình cần gì và không cần gì. Một năm học đại cương có thể làm bạn lo lắng không biết mình cần chuẩn bị gì để bước vào chuyên ngành. Đúng là chương trình đại cương không có những môn học mang tính chuẩn bị hoặc định hướng cho sinh viên. Như đã nói, đây là lúc bạn nên cùng với những người xung quanh để hỗ trợ nhau tìm ra hướng đi cho chính mình. Bạn nên tìm hiểu từ sách báo, từ giảng viên, từ những sinh viên khóa trước. Nhưng quan trọng là bạn phải dám đưa ra một quyết định chính xác mình sẽ chọn lựa hướng đi nào. Sau đó hãy cố gắng thực hiện nó, nếu cùng với những người bạn khác thì càng tốt. Có thể vài lần thất bại mới có thể giúp bạn tìm ra được điều mà mình thực sự cần. Trong phạm vi hiểu biết của tôi, đó là cách tốt nhất để thực hiện.
Nhưng quan trọng hơn là biết nhận diện những gì thực sự không cần thiết và gạt hẳn chúng sang một bên. Ngành CNTT có rất nhiều lĩnh vực, muốn chuyên sâu vào một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Không chỉ riêng sinh viên CNTT, mà hầu như rất nhiều bạn trẻ Việt Nam có khuynh hướng ôm đồm mọi thứ, kết cuộc là không tinh thông được thứ nào. Tinh thông ở đây có nghĩa là làm được việc trong lĩnh vực đó, hoặc có thể thích ứng nhanh với lĩnh vực ấy khi cần thiết. Biết nhiều mà chỉ hời hợt thì cũng giống như là không biết gì cả.
Một ví dụ khác, nhiều bạn sinh viên băn khoăn khi nghe nói rằng các trung tập đào tạo lập trình viên quốc tế như Aptech, Informatics, NIIT,… có chương trình đào tạo hiện đại và thực tế hơn rất nhiều so với trường đại học. Trong trường không dạy C/C++/C#, Java, SQL Server, ASP, JSP,… thì làm sao mai mốt đi làm được. Nếu suy nghĩ như vậy tức là bạn đã chưa tự đánh giá đúng trình độ của mình. Bạn đang được đào tạo để trở thành kỹ sư, trong khi những nơi kia đào tạo các kỹ thuật viên. Không có cấp bậc nào là “cao cấp” hơn, bởi vì chúng phục vụ cho những mục đích hoàn toàn khác nhau. Các trung tâm đào tạo bạn cách sử dụng công cụ, còn trường đại học đào tạo bạn suy nghĩ về công cụ và tạo ra công cụ. Dĩ nhiên, bạn phải biết cách sử dụng công cụ trước. Nhưng những kiến thức này được giả định là bạn phải biết và không có môn học cụ thể nào về chúng. Nếu bây giờ bạn chưa biết thì phải tự học để mà biết. Trong trường hợp bạn không thể tự học, mà nhất định phải đi học ở các trung tâm, có thể bạn đã ôm đồm nhiều thứ một lúc. Đó là tình trạng mà báo chí thường than phiền: thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.
Ngoài ra, tự đánh giá cũng có nghĩa là biết nhìn nhận mọi sự việc theo đúng bản chất của nó. Bởi vì kiến thức trong ngành CNTT thật rộng lớn mà trình độ của mọi sinh viên khi mới vào trường thì đều chưa cao, nên các sinh viên thường hay bị dao động bởi cái gọi là “nghe nói rằng”. Chẳng hạn:
– Nghe nói rằng C++ rất khó nên chưa dám học. Nghe nói rằng Java chạy rất chậm nên chưa muốn học.
– Nghe nói rằng phần cứng rất “chua”, lại không bảo đảm việc làm trong tương lai nên không muốn quan tâm. Nếu buộc phải học thì học một cách hời hợt.
– Thậm chí, nghe nói rằng đề thi cuối kỳ sẽ lấy từ sách này nên đổ xô đi mua cuốn sách ấy.
Thật hài hước phải không. Bạn đang học ngành công nghệ thông tin. Thông tin là những gì có thể tăng sự chắc chắn về một vấn đề nào đó. Nhìn sâu xuống dưới, thông tin được thể hiện bằng hai con số: 0 và 1 (không và có). “Nghe nói rằng” là những gì hoàn toàn không chắc chắn. Đừng để chúng điều khiển bạn.
Một biểu hiện quan trọng của tự đánh giá là phải biết lắng nghe và đưa ra ý kiến của mình. Biểu hiện của người thiếu tự tin là không dám nghe người thực sự am hiểu nói (mà chỉ quan tâm đến những cái “nghe nói rằng”), trong khi biểu hiện của người tự mãn là luôn nhận định đúng hoặc sai ngay khi người khác chưa trình bày xong vấn đề. Ví dụ mẩu đối thoại sau:
A : đoạn mã này có thể được viết bằng Java…
B : không thể nào, bởi vì một chương trình viết bằng Java chạy chậm hơn viết bằng C++ đến 10 lần, phải viết bằng C++.
A (chưa kịp nói) : bởi vì thời gian để thực hiện đoạn mã này chỉ chiếm 10% tổng thời gian thực hiện chương trình nên nó không nhất thiết là nơi cần phải tối ưu hóa tốc độ. Hơn nữa, nó được chạy trên máy chủ có tốc độ nhanh gấp 10 lần so với máy thường. Cuối cùng, đối với đoạn mã này thì dùng Java có thể rút ngắn thời gian viết code và debug hơn so dùng C++ xuống còn phân nửa.
Trong cả hai trường hợp, không biết lắng nghe sẽ làm cho bạn không tiếp thu được kiến thức từ những người khác. Ngược lại, khi đã lắng nghe xong, bạn phải có ý kiến của riêng mình. Một phong cách đáng chán của sinh viên khoa CNTT (tôi phải thừa nhận là mình cũng nằm trong số này) là không bao giờ phát biểu, dù chỉ là đúng hoặc sai, khi giảng viên hỏi. Tôi còn nhớ một lần thầy giáo hỏi: “Ai cho rằng cách này đúng?”. Có khoảng 5% giơ tay. “Ai cho rằng cách này sai?”. Cũng có khoảng 5% giơ tay, trong đó 2,3% là những người đã giơ tay lần đầu ;-0 Hơn 90% còn lại là cả một sự bí hiểm!
Có thể bạn không biết gì cả, hoặc đã biết những không thèm giơ tay vì chúng quá tầm thường. Khi đó, nên nghĩ lại xem bạn có mặt ở lớp học làm gì, bởi vì kiến thức quá cao siêu hoặc quá tầm thường đều cho thấy bạn đã không thích hợp với chúng. Ngược lại, nếu chỉ vì bạn đã đánh giá sai về chúng, thì hãy tự đánh giá lại cho chính xác.
Cuối cùng, tự đánh giá có nghĩa là biết nhận lấy thất bại. Khó có ai học suốt 4 năm trời mà chưa bao giờ bị điểm dưới trung bình, cũng có khi bạn thua kém bạn bè ở chính sở trường của mình, hoặc liên tiếp nhận các thất bại khiến bạn nghi ngờ khả năng của mình. Tôi đã từng học môn lý A1 đến 3 lần mới qua được. Tôi vẫn có nhớ cảm giác chua xót khi bạn bè tung tăng chuẩn bị vào chuyên ngành thì tôi vẫn phải lầm lũi làm luận án “tiến sĩ” về Lý A1. Hay như người bạn của tôi đã từng rớt môn Giáo dục quốc phòng, môn học mà ai-cũng-cho-rằng-không-thể-rớt. Nhưng chúng tôi đều có điểm chung là cảm thấy mạnh mẽ hơn sau những cú ngã tê tái đó.
Khả năng của một người là khái niệm vô hình, chỉ có thể đánh giá qua các kết quả cụ thể. Điều gì quyết định đến kết quả? Đó là phong độ và đẳng cấp của bạn. Chẳng hạn, phong độ trong một ngày thi sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả bài thi hôm đó. Nhưng phần lớn là do đẳng cấp của bạn trong môn đó. Phong độ có thể thay đổi theo từng ngày, có thể do thời tiết, do người yêu của bạn, do ngày hôm trước có trực tiếp bóng đá,… Nhưng đẳng cấp thì chỉ tiến hoặc lùi sau một thời gian tương đối dài. Trở lại ví dụ trên, có thể trong một ngày xui xẻo, phong độ làm bài thi tệ hại đã xóa sạch đẳng cấp cao vốn có của bạn. Bạn phải nhận điểm thấp. Bạn cũng phải biết đánh giá đúng bản chất của thất bại, bởi vì:
Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi .
Sau đó hãy nhận lấy thất bại, từ đó bạn sẽ biết cần cải thiện phong độ hay đẳng cấp của mình. Còn nếu bạn vẫn ủ rũ chẳng biết làm gì, hoặc ngược lại, bạn cố nghĩ ra những lý do khách quan để không phải nhìn vào thực chất vấn đề, có thể bạn sẽ nhận thêm một kết quả tồi tệ hơn thế nữa.
Tóm lại, bạn cần phải biết mình đang đứng ở đâu và nên đi về hướng nào. Có như vậy bạn mới xác định được mình vừa tiến bộ hay thụt lùi. Tất cả những điều trên hoàn toàn là do bạn tự đánh giá lấy.
Nguyên tắc #3: Tự học để đi tiếp con đường phía trước
Nếu chỉ xét khoảng thời gian bốn năm rưỡi (hay nhiều hơn?) học CNTT, tự học chưa hẳn là yếu quan trọng nhất. Nhưng nếu xét đến cả một sự nghiệp trong thời gian dài, đây là điều phải nêu đầu tiên.
Đặc thù của ngành CNTT là kiến thức thay đổi rất nhanh. Phần cứng, cụ thể là vi xử lý, phát triển theo định luật Moore, cứ mỗi 18 tháng thì tốc độ CPU tăng gấp đôi. Đây là sự phát triển cực nhanh nếu so với những ngành nghề khác. Nhưng đó cũng chưa phải là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Phần mềm còn phát triển nhanh hơn, bởi vì bạn luân thấy phần cứng ra đời là để đáp ứng nhu cầu của phần mềm ;-> Internet cũng là một môi trường phát triển chóng mặt.
Bạn làm gì để theo kịp tốc độ đó? Chỉ có thể là tự học.
Nhà trường chỉ có thể hỗ trợ cho bạn phần nền tảng (mặc dù hiện tại nhà trường cũng phải cải cách nhiều mới có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ này), còn bạn phải tự hướng dẫn mình đi trên con đường riêng.
Trở lại vấn đề thắc mắc muôn thuở của sinh viên, những kiến thức như C++, Java, ASP, JSP, PHP, Access, SQL Server… là phải tự học.
Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, anh văn chuyên ngành,… cũng phải tự học là chính. Nhà trường chỉ có thể hỗ trợ phần nào.
Nhìn chung, có hai nhóm kiến thức bạn cần phải tự học. Thứ nhất, đó là những kiến thức được giả định là bạn phải biết. Những điều tôi vừa liệt kê ở trên nằm trong nhóm này. Thứ hai, đó là những kiến thức mà không một ai có thể dạy bạn. Không ai khác có thể chỉ rõ từng bước để bạn có thể nghiên cứu ra một công trình khoa học hoàn toàn mới, không ai khác có thể rèn luyện cho bạn kỹ năng lập trình thuần thục, không ai khác có thể giúp bạn mọi việc để dựng nên một công ty tin học,… Người đó chỉ có thể là bạn.
Ở giữa hai nhóm trên, đó là những kiến thức mà nhà trường sẽ trang bị cho bạn.
Nhưng phải tự học thế nào? Bạn là người thầy giáo tốt nhất, và sách (cùng với Internet, CD, thư viện…) là phương tiện để người thầy đó truyền đạt kiến thức cho bạn.
Một số người nhìn vào các giáo trình tin học dày cộm và lắc đầu: “Tôi không đọc nổi!”. Đúng vậy, không một ai có thể đọc nổi những cuốn sách đó theo cách mà họ nghĩ: đọc toàn bộ từ đầu đến cuối trong một thời gian ngắn rồi thôi. Trong số lượng nhỏ nhoi những cuốn sách tin học mà tôi đã từng đọc, phải thành thật thừa nhận rằng chưa có cuốn nào mà tôi đọc trọn vẹn cả, tức là đọc không sót đoạn nào, giống như đọc tiểu thuyết vậy. Tôi chỉ đọc những phần mà tôi cảm thấy cần thiết vào thời điểm đó, và ít khi nào tôi đọc ngấu nghiến một cuốn sách. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên phải xem lại những sách mà mình đã đọc qua bởi vì có thể ở những lần đọc sau này, tôi mới hiểu ra được vấn đề mà sách muốn trình bày.
Dĩ nhiên, việc tự học sẽ chỉ hiệu quả nếu tìm được những cuốn sách tốt. Cách đọc sách và tìm sách để đọc là một vấn đề không đơn giản, tôi sẽ tổng hợp lại trong một tài liệu khác, đi kèm với tài liệu này. Chỉ lưu ý rằng bạn đừng theo quán tính của một số người, luôn than thở rằng thiếu thốn tài liệu, thiếu tiền bạc để mua tài liệu nên không thể tự học được. Không, hoàn toàn không phải như vậy, cái mà họ thiếu chính là tinh thần ham học hỏi và một lòng dũng cảm để thừa nhận sự thiếu thốn đó.
Nhớ rõ 3 nguyên tắc trên: Ngay từ bây giờ, bạn hãy tìm những người bạn có cùng suy nghĩ với mình về nguyên tắc:
Group-study – Học nhóm
Self-assessment – Tự đánh giá
Self-study – Tự học
Rồi hãy cùng nhau thực hiện.
5 căn bệnh phổ biến ở khoa CNTT
Học CNTT không phải là việc dễ dàng. Nếu không cẩn thận, bạn dễ mắc phải các căn bệnh sau đây.
Bệnh than
Đây không phải là căn bệnh từng gieo rắc kinh hoàng cho nước Mỹ, mà là bệnh than thở. Hầu như mọi sinh viên học CNTT đều mắc bệnh này. Hãy nghe họ than thở những gì:
– Than rằng học ở đây chán quá, khó quá, không thiết thực quá. Nhưng họ lại không trả lời được giảng dạy thế nào để họ không chán, không khó, thiết thực hơn. Họ lại thường so sánh với các trường ngoài, trung tâm bên ngoài, và cả nước ngoài. Vậy thì tại sao họ lại ở đây nhỉ?
– Than rằng học mấy năm rồi mà thấy chẳng tiến bộ.
– Than rằng không biết làm gì khi ra trường. Thế thì họ đã làm những gì khi ở trong trường?
– Họ than thở những điều trên từ học kỳ này sang học kỳ khác. Thế hệ sinh viên này đến thế hệ sinh viên khác cũng than thở như vậy.
Bệnh nhát
Thường thì sinh viên than thở về một môn học nào đó thì cũng sẽ gặp ngay môn đó. Chẳng hạn, than rằng phần cứng rất “oải” thì y như rằng sẽ gặp đồ án phần cứng. Lúc này thì bệnh than biến chứng trở thành bệnh nhát.
Mắc bệnh nhát thì không dám làm điều gì đang ở ngay trước mắt. Không làm nghĩa là chết, những vẫn không dám làm. Có thể nói, họ thà chết chứ không chịu hy sinh. Chẳng hạn, vừa nghe nói môn học X này là môn “sát thủ” , họ đã buông súng ngay từ tuần lễ đầu tiên của học kỳ. Thế là rớt, họ lại truyền đạt điều trên cho các đàn em yếu bóng vía, và thật tội nghiệp những em này. Bệnh này lây rất nhanh.
Hoặc, có quá nhiều lựa chọn nên cũng không dám chọn và làm một cái nào. Cuối cùng thì loay hoay mãi không biết mình nên chuyên phần cứng hay phần mềm, nên học C++ hay Java. Nếu họ chịu làm điều gì đó thì dù chưa chọn được đúng ý mình, trong trường hợp xấu nhất họ cũng biết được rằng mình không phù hợp với phần cứng, cũng không phù hợp với C++. Bây giờ thì còn Java để thử tiếp.
Bệnh hời hợt
Nhưng nếu bị buộc phải chọn lựa do hoàn cảnh thúc ép, họ sẽ làm một cách hời hợt. Chẳng hạn, nhận phải một đồ án xương xẩu, họ nghĩ thôi thì làm qua loa cho xong rồi học kỳ sau sẽ tìm được cái ngon hơn. Ai chắc rằng sẽ có cái ngon hơn, hay lại phải gặp cái mà họ cứ cho rằng là xương xẩu? Làm qua loa thì mãi sẽ không bao giờ thoát được cái vòng luẩn quẩn đó, nó còn tước mất cơ hội để mình thấy được điều đó thật ra cũng không xưởng xẩu như đã nghĩ.
Bệnh hời hợt ngăn cản ta đạt đến đỉnh cao trong một môn học nào đó. Nếu học một môn học mà việc kết quả cao, thấp, đậu, rớt, chương trình học, bài tập lớn không làm bạn có bất kỳ cảm xúc nào, chỉ đơn giản là đã qua được nó, thì bạn đã đánh mất một cơ hội của mình. Cần nhớ rằng, giáo trình học, giảng viên môn học đó có thể chưa làm bạn hài lòng, nhưng bản thân môn học đó là thực sự cần thiết. Học hời hợt chỉ vì không hợp với giảng viên, điều đó có nên hay không?
Bệnh la lối
Bệnh này thường xuất phát từ bệnh hời hợt, nó cũng tương tự như bệnh than nhưng sự bộc phát rất dữ dội. Sau khi loay hoay mãi trong cái vòng luẩn quẩn trên, họ kết tội cái đồ án đã làm hại họ, bộ môn này đã kìm hãm họ, nhà trường đã không tạo môi trường thuận lợi cho họ. Thế mà, họ không nhìn xem những người khác đã làm gì để không rơi vào tình trạng như họ, hoặc những người khác đã làm gì để vượt qua tình trạng đó.
Bệnh la lối là nguy hiểm nhất. Nó hủy hoại người bệnh một cách tàn khốc. Bệnh này cũng khó chữa nhất, nhất là khi nó đã vào thời kỳ cuối.
Bệnh lười
Bệnh này là nguồn gốc gây ra 4 căn bệnh đã kể trên. Lười biếng tức là đã tự đặt mình vào tình thế bị động.
Không thường xuyên làm bài tập sẽ làm cho kết quả thi thấp, thậm chí bị rớt.
Không chịu đọc sách, không chịu mày mò sẽ làm cho kiến thức nghèo nàn đi.
Và thế là mắc phải bệnh than. Cũng vì lười biếng mà bệnh than chuyển thành bệnh nhát, rồi bệnh hời hợt, rồi bệnh la lối. Bệnh lười lại dễ lây nhất. Mình lười biếng sẽ làm cho bạn của mình bị ảnh hưởng theo. Bạn mình siêng năng thì mình cũng siêng năng hơn.
- Tránh xa những căn bệnh trên
- Thường xuyên tự chuẩn đoán để biết mình đang mắc phải bệnh gì, rồi tìm cách chữa trị chúng. Nhưng nguyên tắc quan trọng là: phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng bệnh, hãy làm như sau:
– Luôn suy nghĩ tích cực, đồng thời chuẩn bị những điều bất lợi sắp tới.
– Khi chúng đến, đánh giá chúng.
– Chấp nhận chúng.
– Suy nghĩ tích cực để có thể “hưởng thụ” chúng.
– Và tiếp tục như vậy.
Bạn cần có một kế hoạch ngay từ đầu
Việc học tập được hoạch định và tổ chức tốt sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong suốt thời gian học CNTT. Cụ thể, bạn cần xây dựng cho mình một kế hoạch học tập, trong đó trình bày những mục tiêu mà bạn phấn đấu đạt được, khả năng của bạn, những việc mà bạn cần làm và thời gian dành cho chúng.
Bản kế hoạch này sẽ giúp bạn có phương hướng rõ ràng trong học tập. Nó chỉ cho bạn biết những thứ bạn cần học ở thời điểm hiện tại, điều gì chưa cần quan tâm ngay vào lúc này, nó còn đưa bạn vào một khuôn khổ để bạn chuyên cần hơn. Thiếu bản kế hoạch, bạn dễ bị rơi vào tình trạng hoang mang, chẳng biết học gì, làm gì khi học CNTT.
Đối với những sinh viên có tổ chức, học kỳ bắt đầu từ thời điểm trước đó khoảng hai tuần. Đây là thời điểm họ xây dựng kế hoạch cho học kỳ sắp tới. Ngược lại, đối với những sinh viên chưa có tổ chức, học kỳ mới bắt đầu từ tuần thứ hai hay thứ ba trở đi, thậm chí là tuần thứ bảy (tức là tuần trước khi thi giữa kỳ). Họ không có kế hoạch cho từng môn, để rồi hằng tuần cứ đến lớp rồi về nhà mà không ôn luyện gì cả. Đến lúc gần thi thì mới vắt giò lên cổ mà chạy. Thường thì lúc đó đã quá trễ, kể cả với những người vốn được đánh giá là thông minh nhất, nhưng một người không có tổ chức thì làm sao có thể gọi là thông minh nhỉ?
Kế hoạch và tiến trình công việc phải song hành
Nguyên tắc cơ bản để lập kế hoạch học tập là các bản kế hoạch của bạn phải phản ánh đúng với hoàn cảnh của bạn, có như thế thì chúng mới mang tính khả thi. Một bản kế hoạch đầy đủ chi tiết, cố định ngay từ đầu, rồi bạn phải theo đó mà làm cho đến hết là không phù hợp với hoàn cảnh học tập của sinh viên. Chúng ta chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để làm điều này.
Thay vì vậy, bản kế hoạch chỉ nên bắt đầu với những việc chắc chắn, mà theo đó bạn có thể thực hiện ngay và thực hiện một cách trọn vẹn. Sau đó, dựa vào những gì bạn đã làm, bạn sẽ điều chỉnh và bổ sung lại bản kế hoạch. Tóm lại, có Kế hoạch cũng cần được ghi lại trên giấy, hoặc soạn thảo bằng máy vi tính. Thậm chí, nếu bạn biết dùng Microsoft Project thì càng tốt. Nếu chỉ xác định trong đầu, bạn sẽ quên kế hoạch của mình vào một lúc nào đó, và sẽ không có cơ sở để đánh giá lại những gì mình đã làm. Ngoài ra, việc ngồi xuống, phác thảo ra bản kế hoạch của mình sẽ mang lại cho bạn niềm hưng phấn để bắt đầu với công việc mới.hai quá trình song song ở đây.
Nhưng cẩn thận, đừng dành quá nhiều thời gian chỉ để viết kế hoạch mà không làm gì cả. Phần lớn thời gian của bạn là để thực hiện những gì bạn đã hoạch địch. Đừng làm ngược lại.
“Too much scheduling will kill you, if you can’t make up your mind.”
Bạn cần nhiều thông tin cụ thể hơn?
Dự định ban đầu của tôi là viết một tài liệu duy nhất để hướng dẫn các sinh viên khóa sau của mình về những kinh nghiệm học tập mà tôi biết được. Nhưng vấn đề ở chỗ nếu tôi đưa vào quá nhiều chi tiết, tài liệu này trở nên rất dài và rất khó quản lý mỗi khi cần cập nhật. Do đó, tôi quyết định chia ra làm hai tài liệu liên quan đến nhau. Đây là tài liệu thứ nhất, trong đó chỉ nêu những nguyên tắc cơ bản nhất mà mọi sinh viên đều nên biết khi học CNTT.
Tài liệu thứ hai sẽ thú vị hơn. Nó sẽ chứa đựng những câu hỏi mà các sinh viên thường thắc mắc, kèm theo đó là những câu trả lời xác đáng nhất. Mọi sinh viên đều có thể tham gia đóng góp câu hỏi, câu trả lời vào đây. Tôi cũng mong các giảng viên cũng sẽ tham gia vào đây. Như vậy, sinh viên sẽ tìm được nơi có thể giải đáp những thắc mắc của mình, mà giảng viên cũng không phải mất thời gian trả lời một câu hỏi nhiều lần.
Trong tài liệu thứ hai, tôi cũng sẽ tham gia vào việc trình bày những kinh nghiệm cụ thể. Chẳng hạn, bài viết này chỉ nói đến những nguyên tắc chung của việc học nhóm, tự học, lập kế hoạch, còn những cách làm cụ thể sẽ đưa tôi giới thiệu trong tài liệu thứ hai. Tạm thời, tôi đặt tên tài liệu đó là: DIT – FAQs (hay Những câu hỏi thường gặp khi học CNTT).
Một điều nữa mà tôi cần nói rõ là tài liệu này được viết dưới góc nhìn của một sinh viên. Tất cả những khó khăn, suy nghĩ, cách giải quyết ở đây đều mang ảnh hưởng trên. Có thể bạn sẽ nghĩ: “Vậy khoa CNTT làm gì trong trường hợp này?” khi đọc qua tài liệu này. Nhưng, điều đó hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của một sinh viên, tức là nằm ngoài phạm vi bài viết này. Chúng ta cần phải kiến nghị lên trên khi có một vấn đề bức xúc, nhưng giải quyết những kiến nghị đó không phải là trách nhiệm của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào những gì mà một sinh viên cần làm.
Lời kết
Tôi hy vọng bạn sẽ tìm được điều gì đó bổ ích từ tài liệu này. Dĩ nhiên, việc nén bốn năm rưỡi các kinh nghiệm của nhiều thế hệ sinh viên vào trong 20 trang giấy không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa, không phải mọi điều tôi trình bày ở đây đều hoàn toàn chính xác, và thậm chí còn rất nhiều điều chính xác đã bị tôi bỏ sót không đưa vào đây.
Do đó, tôi hy vọng rằng bạn, miễn là bạn đã, đang, và sinh học tập hay làm việc trong lĩnh vực CNTT, bạn có thể đóng góp vào bài viết này. Các góp ý, tranh luận, bổ sung đều được hoan nghênh . Chắc chắn, tôi sẽ thường xuyên cập nhật tài liệu này theo thời gian. Bởi vì, việc học CNTT sẽ rất khác đi qua các thế hệ sinh viên. Nhưng, tôi sẽ chỉ có thể làm điều này nếu nhận được sự ủng hộ từ các bạn.
Các bạn sinh viên có thể tham khảo thêm các việc làm ngành CNTT như fresher python, fresher android, fresher devops từ các công ty HOT nhất nhé!
Bài viết gốc được đăng tải tại Kenhsinhvien
Có thể bạn quan tâm:
- Có mấy loại ngôn ngữ lập trình? Loại nào phổ biến nhất?
- Dành cho các bạn trẻ sắp bước vào ngành Công nghệ thông tin…
- Lộ trình học lập trình C cho người mới bắt đầu
Xem thêm việc làm it hàng đầu hot nhất trên TopDev
- H Học lập trình có nên mua Macbook? TOP 5 MacBook cho lập trình viên
- N Nên build cấu hình PC cho lập trình viên như thế nào?
- T TOP 10+ laptop cho lập trình viên dưới 20 triệu
- H Học lập trình nên mua laptop hay PC (máy tính để bàn)?
- L Laptop cho lập trình viên giá rẻ dưới 10 triệu
- T Top 6 laptop học CNTT dưới 15 triệu đáng mua nhất
- 3 30 laptop lập trình tốt nhất cho lập trình viên (Phần cuối)
- 3 30 laptop lập trình tốt nhất cho lập trình viên (Phần 2)
- 3 30 laptop lập trình tốt nhất cho lập trình viên (Phần 1)
- S Sinh viên CNTT làm thế nào để học tốt ở trường đại học?