Phải làm gì khi review lương không tăng như kì vọng?

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Dịp đầu năm là lúc nhiều công ty review lương cho nhân viên. Nghe tin được review lương thì tâm trạng trung là ai cũng háo hức. Tuy nhiên trong nhiều các trường hợp, sau khi review xong lại buồn vì lương không tăng cao như kì vọng. Ngắn gọn là vỡ mộng.

Theo báo cáolương bình quân của người lao động năm 2023 là 8,65 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2022. Một báo cáo khác ở Mỹ cho thấy trung bình các công ty chỉ tăng lương cho nhân viên khoảng 3%. Trong khi đó lạm phát được báo cáo ở Việt Nam là khoảng 3.25%, thực tế có thể cao hơn. Tóm lại câu chuyện là lương tăng không đủ ăn, buồn.

Với những người đã đi làm lâu năm hoặc có nhiều nguồn thu nhập, việc trên không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên với các bạn trẻ mới ra trường bắt đầu đi làm, đang thuê trọ ở một mình tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, cảm nhận tác động của việc này rất rõ ràng.

Vậy bạn nên làm gì khi công ty review lương không như kì vọng? Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và các cuộc trò chuyện với bạn bè làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, dưới đây là gợi ý một số việc bạn có thể làm.

1/ Nghiên cứu con số thị trường

Để nói chuyện tiền bạc với người khác, đặc biệt với quản lý, nhân sự hay người làm tài chính trong công ty, bạn nên thể hiện rằng mình có sự nghiên cứu. Mỗi công việc đều có “giá thị trường”, tức mức lương dựa trên vị trí làm việc, số năm kinh nghiệm và mức sống tại nơi công ty đóng trụ sở. Để biết được mức lương trung bình của một vị trí nào đó, cách bạn có thể làm là:

  • Gõ tên vị trí công việc mình đang làm hoặc vị trí tương tự lên các trang tìm việc như TopDev, Vietnamwork, CareerBuilder xem các công ty khác đang đăng tuyển mức lương thế nào. Xem khoảng 10 tin tuyển dụng khác nhau để tính ra con số trung bình.
  • Lên Google gõ “lương trung bình việt nam + năm” để cho ra báo các lương của rất nhiều đơn vị khác nhau. Kinh nghiệm bản thân là thường các con số trong báo cáo nên trừ đi khoảng 10-20% để ra con số thực tế.
  • Vào các hội nhóm trên Facebook, LinkedIn và đặt câu hỏi. Trên này thì thượng vàng hạ cám đòi hỏi bạn phải có kĩ năng lọc câu trả lời đúng.

Trong nội bộ, một số công ty có thông tin “band lương” có thể được đăng trên trang nội bộ, bạn có thể tìm hiểu thử.

review lương

2/ Chuẩn bị “cãi lộn” có bằng chứng

Nói vui vậy chứ thực tế là để thuyết phục công ty tăng lương theo con số bạn mong muốn, ngoài tìm hiểu trung bình thị trường, bạn còn cần chứng minh được giá trị những đóng góp của bản thân cho công ty. Để làm được điều này, bạn cần có văn bản ghi nhận rõ ràng những điều bạn đã làm được, cụ thể bằng con số, thời gian, vượt KPI như thế nào. Ngoài ra bạn nên gom thêm các nhận xét đánh giá từ sếp, đồng nghiệp, khách hàng để tăng sự uy tín.

3/ Đặt lịch trao đổi thẳng thắn

Điều oái ăm khi quan sát xung quanh những người mình biết về vấn đề này là mọi người bức xúc xong âm thầm nói sau lưng với nhau, còn khi sếp hỏi có thắc mắc gì không thì lại không nói gì. Có thể bạn không biết nói gì thật, hoặc bạn ngại, hoặc vì lý do nào đó khác. Tuy nhiên nếu bạn thấy việc tăng lương lần này không công bằng và chưa đáp ứng đủ nhu cầu mong muốn của bản thân, bạn cần lên tiếng.

Khi trình bày vấn đề của bạn, bạn cần từ tốn nhẹ nhàng nhưng phải thẳng thắn. Cảm ơn sếp và công ty đã tạo điều kiện cho mình được làm việc và tăng lương, sau đó giải thích các lý do vì sao mình thấy con số đó chưa thoả đáng. Chia sẻ các con số trung bình bạn nghiên cứu ở trên, các con số thành tích bạn đã chuẩn bị để làm bằng chứng.

Nếu trong JD công việc bạn làm A, B, C nhưng thực tế bạn làm thêm cả X, Y, Z – bạn có quyền đòi được tăng lương. Tuy nhiên bạn phải rõ ràng điều này bằng văn bản Job Description rõ ràng với công ty. Nhiều công ty và sếp chỉ nói miệng em làm cái này cái kia mà không có văn bản rõ ràng có chữ ký xác nhận, như vậy thì bạn không có gì để dựa vào và đòi tăng lương.

Hãy nhớ là người quản lý phải cân bằng lợi ích của bạn và của công ty, vì vậy chưa chắc bạn đòi thêm 10 thì được 10, mà có thể chỉ thêm được 3-4 thôi. Tuy nhiên 3-4 cũng tốt hơn là không có gì đúng không?

Sau cuộc trao đổi với quản lý, nhân sự – bạn nên tóm tắt lại nội dung đã trao đổi, bước hành động đã thống nhất và gửi lại qua email. Việc này làm bằng chứng trong tương lai nếu có tranh cãi.

  7 bí kíp giúp ứng viên deal mức “lương thương lượng”

  5 điều NÊN và KHÔNG NÊN khi review tăng lương mà lập trình viên nào cũng nên biết!

Nếu đòi rồi vẫn không được tăng?

Công ty có thể đưa ra nhiều lý do từ chối như: khó khăn tài chính, khủng hoảng kinh tế, lương em đang cao hơn người khác rồi bla bla.

Nếu là vấn đề tài chính, bạn nên hỏi lại công ty thời gian nào tiếp theo có thể cân nhắc lại? Hoặc nếu không thể tăng lương, bạn có thể nhận đãi ngộ khác như thưởng, ngày nghỉ, bảo hiểm hay gì đó không..

Nếu sếp bảo năng lực chưa đủ chứng minh việc tăng lương, hãy hỏi cụ thể cần cải thiện thế nào và đặt mục tiêu tiếp theo rõ ràng cùng sếp, sau đấy văn bản hoá và gửi qua email cùng xác nhận. Nhớ là mọi trao đổi phải văn bản hoá, đừng nói miệng.

Khi nào là lúc nên rời đi?

Trong một số trường hợp, lời giải thích của sếp và công ty vẫn chưa đủ thoả đáng. Bạn cảm thấy sếp hứa lèo, nói như không. Nếu bạn cảm thấy không còn sự tin tưởng vào công ty, đây là lúc nên rời đi. Việc rời đi sau khi bạn đã thử làm những việc trên tốt hơn là im lặng rời đi trong ấm ức.

Nếu lương chưa như mong muốn nhưng bạn vẫn thích môi trường và công việc, có thể cân nhắc làm thêm một số việc ngoài lề để có thêm thu nhập. Viết lách, thiết kế, vân vân.

Hãy nhớ là bạn có quyền trao đổi thẳng thắn và đòi hỏi về lương, đừng ngại mà nhận phần thiệt về mình. Càng chuẩn bị kĩ bao nhiêu, cơ hội thành công trong việc deal lương càng tốt bấy nhiêu.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm Top vị trí tuyển dụng cho IT hấp dẫn trên TopDev