Bàn về “peer-pressure” khi lướt LinkedIn và TikTok
Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh
LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp cho những người đi làm, Tiktok là nền tảng giải trí video ngắn, lý thuyết là như thế. Thực tế với nhiều người bạn xung quanh mình, LinkedIn hay Tiktok là những nền tảng góp phần tạo nên ‘peer-pressure’, hay sự so sánh với người khác khiến cho bản thân cảm thấy tự ti. Trên LinkedIn bạn toàn thấy những bạn trẻ giỏi giang làm giám đốc, quản lý, profile công việc hoành tráng. Trên Tiktok bạn thấy những cá nhân còn giỏi giang hơn, trẻ tuổi tài cao, làm tự do, nhiều tiền, ăn ngon, du lịch khắp mọi nơi. Không cảm thấy áp lực hay tự ti khi nhìn thấy những hình ảnh trên mới lạ.
Nếu bạn đang thuộc nhóm đối tượng trên, mình chia sẻ dưới đây một vài ‘bí kíp’ bản thân đã trang bị để phần nào xử lý vấn đề áp lực đồng đẳng và tâm lý tự ti này.
1/ Bạn và người khác có hoàn cảnh khác nhau, định nghĩa thành công khác nhau, những sự may mắn khác nhau
Không có 2 người nào giống nhau hoàn toàn về ngoại hình, gia đình, tính cách, hoàn cảnh sống và các mối quan hệ. Tất cả những điều này lại có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả công việc của một người. Chính vì vậy khi có sự so sánh bản thân mình với người khác, bạn hãy tự đặt những câu hỏi dưới đây để có cái nhìn sâu và rộng hơn trong việc so sánh:
- Bạn có xuất phát điểm giống người ta hay không? Hoàn cảnh gia đình bạn, những mối quan hệ xung quanh bạn có giống người ta hay không?
- Mục tiêu trong công việc / cuộc sống của bạn có giống người ta hay không? Người ta có thể đang thành công về tiền bạc, địa vị – liệu đó có phải là những thứ bạn đang theo đuổi hay không?
Lấy một ví dụ về việc làm KOL trên mạng xã hội hiện nay. Có rất nhiều người đang làm KOLs, chia sẻ về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, nhưng chỉ một số ít trong đó trở nên nổi tiếng. Bên cạnh việc họ có năng lực thực sự, bạn phải thừa nhận rằng họ có may mắn gặp thời, có chống lưng (ý nói gia đình tài chính tốt), có ekip hùng hậu để hỗ trợ. Bạn có những điều đó hay không?
2/ Bạn có chấp nhận đánh đổi không?
Trừ một số trường hợp đặc biệt, mình không nghĩ rằng ông trời cho ai tất cả mọi thứ. Xung quanh mình có đa dạng kiểu người với những kiểu nghề nghiệp khác nhau. Những người làm công tác xã hội giúp ích cho người cho đời, công việc ý nghĩa, đúng đam mê, sở thích thì gặp khó khăn trong tài chính, tiền bạc không quá dư dả, không có cơ hội được ăn ngon, chơi xa, không thể lo được cho gia đình hay người thân những cơ hội xịn nhất. Những người làm trong giới nghệ thuật trông lúc nào cũng bóng bẩy, hào nhoáng, đẹp đẽ nhưng tối về là những nỗi cô đơn, là bạn với chất kích thích. Những giám đốc, quản lý làm việc quần quật ngày đêm đem về những căn bệnh xương khớp, dạ dày và nhiều tiền thuốc cho bệnh viên.
Mình nói như trên không phải vơ đũa cả nắm rằng tất cả những người trong lĩnh vực đó đều như vậy. Có những người làm công tác xã hội vẫn giàu, những người làm nghệ thuật vẫn sống healthy, hay nhiều người làm quản lý vẫn có sức khoẻ rất tốt. Điều mình muốn nói ở đây là, để đạt được sự thành công vượt trội ở một lĩnh vực nào đó, bạn phải chấp nhận đánh đổi một hoặc một số phần tập trung trong cuộc sống. Bạn không thể nào vừa mong muốn đóng góp cho công ty, làm OT mà vẫn có nhiều thời gian cho bạn bè, con cái, người thân. Không thể nào vừa muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ mà vẫn dành nhiều thời gian cho công việc. Khi bạn chọn tập trung điều gì, bạn phải hi sinh đi một số điều còn lại.
Nếu bạn đang cảm thấy peer-pressure với một ai đó, thử tìm hiểu hoặc đặt mình vào vị trí của họ xem, để đạt được những thành công như họ đang có, họ đã đánh đổi những điều gì? Là bạn, bạn có chấp nhận đánh đổi những điều đó hay không.
3/ Xem thông tin Tiktok và LinkedIn một cách có chọn lọc
Các nền tảng mạng xã hội đều rất thông minh, chúng biết gợi ý những nội dung mà chúng ta dành thời gian xem nhiều. Ví dụ bạn dành thời gian xem nhiều video của một người A thành công nào đó trên mạng, bạn sẽ nhận được thêm nhiều video của những người B, C, D tương tự như vậy. Điều này vô tình làm cho chúng ta ngày càng áp lực hơn khi nhìn thấy quá nhiều tấm gương thành công như thế.
Mình cũng giống các bạn, không phải là mình không có áp lực. Mình làm công việc giáo dục. Khi mình lướt Tiktok và LinkedIn mình thấy những người làm nghề giống mình được giải thưởng này kia, làm chương trình này nọ, gặp gỡ đối tác to nhỏ – mình cũng cảm thấy áp lực và tự ti vì sao mình không được những điều đó. Việc áp lực là không thể tránh, đặc biệt với những người nhạy cảm. Điều mình và các bạn có thể làm được là điều chỉnh lại những nội dung mà chúng ta thường xuyên xem trên các trang mạng.
Thử lướt một lượt danh sách những người bạn đang theo dõi trên Tiktok và LinkedIn, xem nội dung của ai đang làm bạn cảm thấy áp lực, hãy huỷ theo dõi. Đừng nghĩ rằng bản thân mình xấu tính khi huỷ theo dõi một ai. Có thể người đó rất giỏi và được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cách chia sẻ của họ không hợp style với bạn thì việc bạn huỷ theo dõi là hoàn toàn bình thường.
Hãy hạn chế thời gian lướt newfeed trong vô thức. Tức là khi bạn mở Tiktok hoặc LinkedIn ra, bạn có chủ đích vào kênh nào thì tìm kênh đó và vào xem nội dung. Đừng lướt newfeed cho vui nữa. Mỗi ngày bạn có thể tự quy định cho bản thân 5-10 phút, 2-3 lần mỗi ngày vào khung giờ nào đó cho việc lướt newfeed, hết thời gian đó thì thôi. Làm được việc này là bạn sẽ hạn chế được việc tiếp cận với nhiều nội dung làm bạn áp lực hơn.
4/ Tập biết ơn và đóng góp cho xã hội
Có 2 việc bạn có thể làm để bản thân cảm thấy ít áp lực hơn là tập thói quen biết ơn những gì đang có và đóng góp cho xã hội theo cách của bạn. Khi bạn làm được hai điều này, thời gian bạn dành cho việc so sánh và tự ti sẽ giảm đi.
Mỗi buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi tối, hãy mở phần mềm Note trên điện thoại hoặc một cuốn sổ trước mặt, viết ra 03 điều mà bạn thấy biết ơn cuộc sống hiện tại. Ví dụ, ngay lúc này đây mình biết ơn vì (1) có những công việc nhỏ kiếm được khoản tiền nhỏ đủ trả tiền ở chung cư tốt (2) vẫn được ăn ngon 3 bữa mỗi ngày (3) có một sức khoẻ tốt và trí tuệ minh mẫn để viết ra những điều này. Còn bạn, bạn biết ơn điều gì?
Hãy dành thêm thời gian ngoài giờ làm việc để đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Bạn có thể trực tiếp tham gia các bếp ăn tình thương, đi phát quà cho người nghèo hoặc những việc tương tự. Làm để thấy cuộc sống bạn vẫn còn may mắn hơn người khác nhiều lắm, có gì mà phải tự ti. Nếu bạn có khả năng chia sẻ và truyền đạt kiến thức tốt, hãy đăng ký trở thành mentor cho các em sinh viên hoặc chia sẻ những gì bạn biết đến các em học sinh – sinh viên. Trở thành người dẫn lối, chia sẻ là sẽ thấy cuộc sống của bản thân có ích, từ đó bớt dần sự tự ti.
Cảm ơn các bạn đã đọc. Chúc các bạn một ngày nhiều niềm vui.
Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com
Có thể bạn quan tâm:
- Bí quyết xây dựng “networking” để tìm việc hiệu quả?
- Bí kíp quảng cáo Job cực hiệu quả trên Social Media
- Kỹ năng xây dựng thương hiệu cho người bắt đầu tìm việc
Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev
- T Tuyệt chiêu để team member và khách hàng lắng nghe bạn
- B Bàn về “peer-pressure” khi lướt LinkedIn và TikTok
- T Tản mạn chuyện bên lề kỹ năng chuyên môn của lập trình viên
- G Giải mã bí quyết quản lý nhân viên IT là Gen Z thành công
- 6 6 bí quyết giữ chân nhân tài ngành IT cho doanh nghiệp
- I IT cần rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm như thế nào?
- Đ Đàm phán và thương lượng không khó như bạn nghĩ?
- T Top những nguồn tư vấn về mức lương tốt nhất
- M Mẫu bảng mô tả công việc lập trình PHP
- P Phân tích 80+ email từ chối ứng tuyển vào vị trí lập trình viên Python và kết quả không ai ngờ đến!