Làm gì để có được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp
Bài viết được sự cho phép của tác giả Vũ Công Tấn Tài
Bạn phấn đấu rất nhiều và phải vượt qua những kì thi căng thẳng để được đặt một chân đến giảng đường đại học, nơi bạn tin rằng (hoặc chí ít là được nói rằng) đây sẽ là nơi đảm bảo cho bạn một tương lai tương lai tươi sáng. Bạn dành khoảng thời gian tương đối dài (khoảng 3 – 4 năm) để học hỏi những kiến thức chuyên môn hoặc các kĩ năng bổ trợ (toán, ngoại ngữ, …). Có bao giờ bạn thắc mắc rằng: liệu có phải cứ vượt qua hết các kì thi ở trường và có trong tay tấm bằng đại học là sẽ đảm bảo được một việc làm tốt, một công việc có thu nhập cao?
Là một người đã từng trải qua thời đại học, mình hiểu được rằng các bạn sinh viên hiện nay đang rất thiếu những thông tin và kĩ năng cần thiết để bước vào công cuộc tìm kiếm công việc phù hợp và xây dựng sự nghiệp sau đó. Nhà trường thì chỉ liệt kê danh sách các môn học ở từng học kì, thầy cô dạy cũng ít khi nói gì thêm về môi trường doanh nghiệp bên ngoài, các thông tin trên internet thì quá ít thông tin hữu ích và xác thực. Đó là một vài lí do khiến mình muốn chia sẻ với các mọi người về việc làm thế nào để có được một công việc tốt khi ra trường. Điều này cũng có thể có ích đối với những bạn đang làm việc và muốn có một công việc khác tốt hơn.
Đầu tiên là phải xác định được hướng đi
Hướng đi, hay còn có thể nói là mong muốn của bản thân trong lĩnh vực IT, bởi thị trường hiện nay đang có rất nhiều con đường cho bạn lựa chọn. Nếu chọn đi làm ở các công ty, bạn có thể theo hướng phát triển ứng dụng Web, ứng dụng mobile (iOS, Android), bảo mật, quản trị hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu … Một số ngành mới cũng khá hot như: phân tích data, xử lí AI về nhận dạng, … Nếu bạn chưa muốn đi làm vội mà muốn theo hướng nghiên cứu, có thể chọn lựa việc học tiếp lên Cao học, rồi xin thực tập và làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học, hoặc đi du học (học bổng ở hướng nghiên cứu này khá nhiều) .v.v…
Tùy vào từng hướng đi cụ thể mà sau đó chúng ta mới xác định được cụ thể những việc cần làm, tuy vậy có những điểm chung mà tất cả chúng ta đều phải nắm dù có đi theo con đường nào đi nữa. Về việc học lên cao hơn nữa ở các bậc học sau đại học, theo suy nghĩ chủ quan của mình (và có tham khảo một vài anh chị có kinh nghiệm), trừ khi bạn muốn đi theo con đường nghiên cứu hoặc cách ngành nghề nặng tính học thuật như xử lí dữ liệu lớn bigData, nhận dạng, AI, … thì việc học lên cao hơn không phải là lựa chọn tối ưu ở môi trường làm việc tại Việt Nam. Tập trung và thực hành những công nghệ mới và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đôi khi sẽ phù hợp hơn với một lập trình viên phần mềm.
Nắm vững những kiến thức cứng
Đây là thứ mà bạn được dạy nhiều nhất ở trường. Dù bạn có theo hướng nào: Web, Mobile hay AI, … bạn cũng cần nắm những kiến thức căn bản trong lập trình như: kĩ thuật lập trình, lập trình hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, cơ sở dữ liệu căn bản. Đây là những môn học và kiến thức nền tảng, những kiến thức này thuộc dạng “trường tồn với tháng năm” và không dễ bị thay đổi trong 1 sớm 1 chiều được.
Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, học tốt các môn này ở trường là một lợi thế để nhà tuyển dụng chú ý bạn. Nếu bạn đã đi làm rồi, chắc hẳn những kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình tìm hiểu và áp dụng những công nghệ mới để giải quyết những vấn đề thực tế trong đời sống. Ở mức Fresher hoặc Junior, việc ít kinh nghiệm và hiểu biết về công nghệ có thể được châm chước, nhưng thiếu các kiến thức nền tảng sẽ rất khó để bạn có thể vượt qua vòng phỏng vấn cho một vị trí tốt.
Chú ý quá trình làm việc nhóm ở trường
Phát triển phần mềm là một công việc của tập thể, vậy nên các công ty cũng rất chú trọng tới kĩ năng làm việc nhóm của bạn. Làm việc nhóm ở đây không phải là cái gì đó quá lớn lao, đơn giản chỉ là cách mà bạn thực hiện đồ án môn học cùng với nhóm như thế nào, tổ chức nhóm và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như thế nào, làm thế nào để mọi người cùng làm chứ không bị hiện tượng “gánh team”, nếu có vấn đề phát sinh (thầy cô thay đổi đề, có bạn nghỉ, …) thì nhóm sẽ giải quyết thế nào, là một thành viên trong nhóm bạn có tích cực trao đổi và bàn bạc không hay chỉ thụ động chờ người khác phân công, …
Những câu hỏi ở trên thật ra sẽ rất dễ để trả lời nếu bạn có làm việc nhóm 1 cách nghiêm túc khi còn đi học. Đôi khi những bài học rút ra từ thất bại còn được đánh giá cao hơn khi bạn đã hoàn thành môn học đó một mình. Đọc đến đây chắc mọi người cũng sẽ biết được một sự thật là các “thánh gánh team” sẽ không hề được đánh giá cao. Vậy nên chưa chắc gì bạn giỏi kĩ năng cứng mà đã được công ty tuyển dụng chú ý đâu nha. Thái độ và khả năng hợp tác của bạn là một yếu tố sẽ được cân nhắc rất nhiều.
Học các môn học có chương trình đào tạo tiên tiến và hợp thời
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện nay, dẫu cho chương trình đại học vẫn bị đánh giá là hơi “lạc hậu” nhưng không phải là không có những môn học hợp thời. Ngoài việc tập trung cho các kĩ năng và môn học nền tảng kể ở trên, thì bạn cũng nên đăng kí học những môn học “hiện đại” hơn như: lập trình thiết bị di động, phát triển ứng dụng web (java, PHP, nodejs, …), các hệ thống xử lí phân tán, thiết kế giao diện phần mềm, NoSQL … Đây là những môn học gần như bắt buộc đối hoặc là rất cần thiết với các bạn muốn đi theo hướng Web hoặc mobile sau này.
Bạn có thể học những môn học này ở trường, hoặc nếu không được dạy ở trường, bạn có thể học thêm ở trung tâm hoặc các khóa học online. Các khóa học online về những công nghệ hiện đại này có rất nhiều trên internet. Hãy tận dụng thời gian rảnh rỗi của bản thân để học hỏi thêm, nếu nắm vững những kiến thức nền tảng và cả những kiến thức về các công nghệ hiện đại nữa, thì bạn sẽ có điểm cộng rất lớn trong mắt các công ty đó.
Thực tập ở cty muốn làm việc.
Đừng nghĩ rằng khi còn đang đi học là bạn không có cơ hội có được kinh nghiệm thực tế. Ngược lại, bạn có thể xin đi thực tập ở các công ty về lĩnh vực bạn muốn theo đuổi sau này để có được kinh nghiệm làm việc cũng như cái nhìn thực tế hơn. Hiện nay hầu hết các trường đều tổ chức cho sinh viên thực tập ở cuối năm 3 hoặc năm 4, vậy nên hãy tận dụng các cơ hội này để có được kinh nghiệm thực tế.
Nếu như trường bạn không tổ chức thực tập thì sao? Không sao cả, bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đến thẳng công ty để xin thực tập cũng được. Các công ty cũng sẽ rất sẵn lòng hỗ trợ những sinh viên năng động trong công việc. Trên internet hiện nay có trang intership.edu.vn cũng rất hay đăng các thông tin về thực tập, các bạn sinh viên có thể tìm kiếm cơ hội của mình ở đây. Ngoài ra bạn có thể tham khảo các công ty hàng đầu tại Việt Nam dưới đây:
Cách tốt nhất để chuẩn bị cho công việc ở một công ty nào đó là hãy làm việc cho họ ở vị trí thực tập sinh, như thế bạn có thể hiểu được nhiều hơn về công việc và cả công ty đó. Bạn có thể thực tập một vài tháng hè, sau đó trở lại trường học nốt chương trình còn lại, rồi liên hệ lại công ty sau khi đã ra trường, các công ty cũng hay có những ưu tiên dành cho các bạn từng thực tập lắm đó.
Tham khảo việc làm thực tập sinh IT dãi ngộ tốt trên TopDev
Kết lại
Thị trường việc làm ngày nay đang rất thiếu những người có kĩ năng và thái độ làm việc tốt, mình nhấn mạnh lại là “những người có kĩ năng và thái độ tốt” nhé vì thực trạng cũng đang có rất nhiều người đang thất nghiệp. Giữa muôn vàn người đi tìm công việc, việc học vững các kiến thức ở trường cùng các kĩ năng làm việc nhóm và kinh nghiệm có được khi đi thực tập sẽ làm những điểm nổi bật giúp bạn tạo được chú ý với các nhà tuyển dụng hơn.
Để làm được những điều trên, bạn cần chủ động hơn trong các nhiệm vụ của mình. Hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn cụ thể hơn chút xíu về con đường tương lai sau này nhé.
Bài viết gốc được đăng tải tại nhungdongcodevui.com
Có thể bạn quan tâm:
- Cơ Hội Việc Làm Cho Sinh Viên CNTT Mới Ra Trường
- 5 lời khuyên khi phỏng vấn cho các bạn mới tốt nghiệp
- Chia sẻ kinh nghiệm khi chuẩn bị ra trường, xin việc và phỏng vấn (Phần 1)
Xem thêm các việc làm Developer hấp dẫn tại TopDev
- L Làm thêm giờ là tốt hay xấu? Tips OT hiệu quả hơn
- 7 7 vị trí CNTT không cần code giỏi mà vẫn thành công
- B Bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam 2024
- R Reskill là gì? Sự khác nhau giữa Reskill và Upskill
- U Upskill là gì? 5 cách Upskilling bản thân hiệu quả
- 5 5 điều bạn cần phải biết khi bắt đầu một công việc mới
- 3 3 tips để “marketing” CV đến nhà tuyển dụng hiệu quả
- T Tìm hiểu ngành kỹ thuật máy tính: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp
- 4 4 cách giúp bạn thoát khỏi nhàm chán trong công việc
- M Mẹo nâng cao kỹ năng xã hội để thành công trong công việc