Top 10 câu hỏi phỏng vấn iOS Developer và cách trả lời hay nhất

Hệ điều hành iOS ra đời và phát triển cùng với hệ sinh thái iPhone, iPad của Apple từ những năm 2007 đến nay đã trở thành 1 trong những hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới. iOS Developer là người xây dựng, phát triển các ứng dụng cho các thiết bị di động và tương thích với hệ điều hành iOS. Với sự lớn mạnh của Apple hiện nay ,nhu cầu tuyển dụng iOS Developer trở nên lớn hơn bao giờ hết. Để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn vị trí này, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu top 10 câu hỏi phỏng vấn iOS Developer nhé.

Câu 1: Lập trình iOS là gì? Ngôn ngữ, công cụ sử dụng

lập trình ios

Lập trình iOS là việc xây dựng và phát triển các ứng dụng có thể chạy trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS, cụ thể là iPhone, iPad, iPod. Apple cung cấp IDE Xcode và iOS SDK cho việc lập trình iOS bằng ngôn ngữ Objective-C hay Swift; ngoài ra chúng ta cũng có thể phát triển ứng dụng iOS bằng các nền tảng cross-platform khác như React Native hay Flutter. iOS SDK được Apple phát hành miễn phí cho lập trình viên, mặc dù vậy nó chỉ hỗ trợ chạy trên nền MacOS cũng thuộc hệ sinh thái Apple.

Để ứng dụng iOS đến được với người dùng, các nhà phát hành cần đăng ký tài khoản Apple Developer và publish nó lên kho chợ ứng dụng AppStore. Tính đến nay có khoảng 2 triệu ứng dụng được phát hành trên nền tảng chợ ứng dụng này.

Câu 2: Mô tả vòng đời View Controller trong ứng dụng iOS

View Controller có nhiệm vụ tương tác với View và hệ thống, quản lý thay đổi từ View và thực hiện các cập nhật lên View.

Vòng đời của View Controller bao gồm:

  • Load View: gọi khi khởi tạo 1 view controller
  • viewDidLoad: Sau khi view controller được tạo và nạp vào bộ nhớ xong thì hàm này sẽ được gọi. Trong hàm này sẽ xử lý việc chuẩn bị data hay khởi tạo các giá trị trên màn hình
  • viewDidAppear: được gọi khi view đã được hiển thị lên màn hình
  • viewDidDisappear: gọi khi view được ẩn khỏi màn hình, chuyển sang màn hình khác

  Quản lý realm database theo hướng micro-service trong iOS

  Giới thiệu View Controller và vòng đời view controller trong lập trình IOS

Câu 3: Các trạng thái thông thường của một ứng dụng iOS

Thông thường có 5 trạng thái mà một ứng dụng iOS có thể có:

  • Not Running: ứng dụng đang hoàn toàn không được chạy
  • Inactive: ứng dụng đang ở trạng thái mở nhưng có 1 ứng dụng khác đang chạy ưu tiên active bên trên như cuộc gọi, tin nhắn, ….
  • Active: ứng dụng đang mở hoạt động và người dùng có thể tương tác
  • Background: ứng dụng đang ở trạng thái chạy nền, thông thường là ứng dụng được mở từ trước đó, người dùng thoát ra sử dụng ứng dụng khác nhưng không tắt ứng dụng đi
  • Suspended: ứng dụng khi ở trạng thái nền một thời gian nếu bộ nhớ của thiết bị không đủ để duy trì việc chạy nền thì sẽ không thể xử lý thêm tác vụ nào từ ứng dụng và đưa nó về trạng thái treo

Xem thêm việc làm iOS Developer hấp dẫn tại TopDev 

Câu 4: Swift là gì? Ưu điểm của nó với Objective-C

Swift là gì?

Swift là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được Apple phát triển cho iOS, macOS và một số nền tảng khác. Swift được phát hành từ năm 2014, nó có nhiều tính năng ưu việt hơn các ngôn ngữ khác nhờ việc chọn ra những ý tưởng nổi bật của các ngôn ngữ đã phát triển trước đó.

So với Objective-C (ngôn ngữ ban đầu được Apple sử dụng cho lập trình iOS) thì:

  • Code trong Swift ngắn gọn và dễ đọc, dễ viết, dễ bảo trì hơn
  • Rút ngắn được thời gian phát triển
  • Có khả năng tương thích với Objective-C
  • Có các tính năng hiện đại hơn như kiểm tra kiểu dữ liệu, quản lý bộ nhớ tự động
  • Hỗ trợ lập trình hàm

Câu 5: Mô hình MVC trong ứng dụng iOS được thể hiện như thế nào?

MVC là mẫu thiết kế phần mềm gồm 3 thành phần Model View Controller, iOS sử dụng MVC làm phương pháp chính để phát triển ứng dụng, trong đó:

  • View: UIView và các lớp con của nó
  • Controller: UIViewController và các lớp con của nó
  • Model: các đối tượng dữ liệu, lớp NSManagedObject và các lớp con

Apple khuyến khích lập trình viên sử dụng mô hình MVC để phát triển ứng dụng iOS. Ngoài MVC thì có một vài mẫu thiết kế khác cũng được áp dụng trong lập trình iOS như MVVM, MVP, VIPER, …

Câu 6: Phân biệt Strong pointer và Weak pointer

Pointer hay con trỏ là một cách truy cập trực tiếp vào memory (bộ nhớ) để tương tác với dữ liệu; trong Objective-C hay Swift đều hỗ trợ các phương thức làm việc với con trỏ.

Strong pointer là một con trỏ được sử dụng để trỏ đến một đối tượng và đồng thời sở hữu đối tượng đó; ngược lại thì Weak pointer không sở hữu đối tượng đó. Hay nói cách khác thì Strong pointer sẽ quyết định đến sự tồn tại của đối tượng.

Trong iOS, có 1 khái niệm là retainCount thể hiện số lượng con trỏ sở hữu đối tượng đó. Nếu một đối tượng không thuộc sở hữu của con trỏ nào thì đối tượng đó sẽ bị hủy (giải phóng bộ nhớ). Strong pointer khi trỏ đến 1 đối tượng sẽ làm tăng retainCount lên 1 đơn vị, ngược lại thì Weak pointer sẽ không làm tăng retainCount. Khi đối tượng mà weak pointer trỏ đến bị hủy, lúc này giá trị của weak pointer sẽ bị set về null.

Câu 7: So sánh các collection Array, Set và Dictionary trong Swift

Collection là những kiểu dữ liệu tập hợp, trong Swift có 3 dạng chính là Arrays, Sets và Dictionary. 

  • Array (Mảng) : sử dụng để lưu trữ dữ liệu cùng kiểu và sắp xếp có thứ tự. Do cần có thứ tự nên các phần tử trong mảng có thể trùng lặp nhau.
  • Set (Bộ): cũng được sử dụng để lưu trữ các dữ liệu có cùng kiểu nhưng không quan tâm đến thứ tự sắp xếp trong đó. Khác với Array, các phần tử trong Set không được phép trùng lặp
  • Dictionary (Từ điển): lưu trữ dữ liệu bằng cặp key – value, các key bắt buộc không trùng lặp nhau, tuy nhiên value thì có thể trùng lặp.

Câu 8: App Bundle trong iOS là gì?

Khái niệm App Bundle được sử dụng cho cả iOS và Android, đây là thư mục chứa toàn bộ source code và resource của ứng dụng được tự động tạo ra khi bạn thực hiện việc đóng gói để chuẩn bị upload ứng dụng lên store. 

Với iOS, Apple tổ chức thư mục bundle chứa trong đó các thư mục con được xác định rõ cấu trúc theo nền tảng và loại gói. Để đọc được nội dung bundle theo cấu trúc thì các tệp thực thi cần sử dụng đối tượng gói (bundle object) để xác định vị trí tài nguyên bên trong gói của ứng dụng hoặc cũng có thể đọc từ các gói khác (thường được Apple cung cấp sẵn trong các framework, plugins của mình).

Câu 9: So sánh việc phát triển ứng dụng iOS bằng Objective-C/Swift và các cross platform mobile

Phát triển ứng dụng iOS bằng Objective-C hay Swift (là những ngôn ngữ được Apple giới thiệu dành riêng cho iOS) được gọi là Native- hay phát triển bằng chính ngôn ngữ gốc. Ngược lại với nó là sử dụng các cross platform (đa nền tảng) như React Native, Flutter, Xamarin, … để viết source code bằng các ngôn ngữ khác như JavaScript, Dart, C#, … và build thành các ứng dụng có thể chạy được trên nhiều nền tảng mobile khác nhau trong đó có cả iOS. 

Việc phát triển ứng dụng iOS bằng native đương nhiên được hỗ trợ tốt nhất từ Apple và iOS SDK, luôn được cập nhật tính năng trong phiên bản hệ điều hành sớm hơn cùng tài liệu đầy đủ. Ứng dụng build ra từ Native luôn được đánh giá cao hơn về hiệu năng, khả năng tương thích cũng như thiết kế đồng bộ với phiên bản iOS mới nhất. Tuy vậy thì việc phát triển ứng dụng cross platform đem lại cho chúng ta lợi ích về mặt thời gian phát triển, chi phí xây dựng ứng dụng cũng như sự đồng bộ về giao diện của ứng dụng trên nhiều nền tảng. Vì vậy lựa chọn phát triển ứng dụng iOS bằng hướng nào thường phụ thuộc vào định hướng sản phẩm của nhà phát triển cũng như các ràng buộc về thời gian và chi phí dự án.

Câu 10: Các bước để phát hành ứng dụng iOS trên AppStore

Bước đầu tiên, bạn cần đăng ký chương trình nhà phát triển của Apple (Apple Developer Program) để có thể phát hành ứng dụng lên chợ Appstore

Sau khi có tài khoản, bạn cần tạo các file và thiết lập cho tài khoản và ứng dụng của mình, bao gồm:

  • AppID: xác minh ứng dụng của bạn, nó là duy nhất
  • Các thông tin cơ bản về ứng dụng: từ tên, mô tả, các ảnh chụp màn hình, các thông tin để phía Apple kiểm duyệt, … bạn cần cung cấp để mọi người biết đến ứng dụng của bạn
  • Certificate: chứng chỉ được cấp bởi Apple đảm bảo việc ứng dụng của bạn được chấp nhận bởi các thiết bị sử dụng iOS
  • Provisioning: như một hồ sơ đăng ký giúp ứng dụng của bạn xác định danh tính, bảo mật thông tin và giúp bạn có thể build được ứng dụng lên Appstore

Sau khi chuẩn bị hết các thứ ở trên, chúng ta tiến hành build và phát hành ứng dụng thông qua AppStore. Apple cũng cung cấp sẵn các tính năng giúp nhà phát hành kiểm thử ứng dụng nội bộ (trên một nhóm các testers được chỉ định) hoặc phát hành các bản dùng thử alpha, beta,…

Kết bài

Trên đây là top 10 câu hỏi cho vị trí iOS Developer mà các bạn sẽ có thể gặp trong buổi phỏng vấn của mình. Hãy chuẩn bị kiến thức về iOS, về ngôn ngữ Swift hay các công cụ lập trình như Xcode để có thể trả lời một cách tốt nhất các câu hỏi liên quan đến mảng kiến thức này. Chúc các bạn có một buổi phỏng vấn thành công và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Có thể bạn quan tâm: