Nghề Freelance và những lo lắng cần phải vượt qua
Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh
Trong một vài năm qua, nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội Tiktok và LinkedIn, mình thấy có một trào lưu chuyển sang làm công việc tự do – hay còn gọi là freelancer. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nghề freelance có nhiều cơ hội hơn ở thị trường việc làm. Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại ở đây đó là truyền thông và chính các bạn freelancer đang vẽ ra một bức tranh quá màu hồng, quá mơ mộng, quá “ảo tưởng” về công việc freelance – khiến cho những bạn trẻ (và cả nhiều bạn già nữa) nhìn vào và nghĩ rằng công việc này sướng lắm.
Bức tranh màu hồng thường được vẽ như được làm việc tự do giờ giấc, được đi du lịch khắp mọi nơi, “bỏ việc văn phòng lương 40 triệu để có thu nhập 100 triệu”, vân vân và mây mây. Thực tế, không có nhiều người freelancer thành công đến vậy đâu, phần đông vẫn còn đang chật vật, lo lắng mỗi ngày với cơm áo gạo tiền và nhiều vấn đề khác.
Bản thân mình cũng có thể tạm gọi là một “freelancer part-time”, mình làm công việc tư vấn hướng nghiệp tự do, viết nội dung cho một vài tổ chức và thi thoảng làm các dự án liên quan đến hướng nghiệp cho các công ty. Cũng giống như những người làm công sở, mỗi ngày mình thức dậy đều có rất nhiều lo lắng. Mình chia sẻ ở đây một vài những lo lắng thường có của một đứa làm freelance, để bạn đọc ai đó có ý định chuyển sang cuộc đời của một người làm nghề tự do thì hãy cân nhắc kĩ nhé.
Lo lắng đầu tiên là chuyện tiền bạc
Khi bạn làm công sở, nếu làm giỏi, bạn có nhiều tiền, nếu làm dở bạn vẫn có tiền vì đó là một khoản lương cố định. Khi bạn làm tự do, dòng tiền không cố định mà phụ thuộc vào các dự án mà bạn nhận. Có những tháng bạn có rất nhiều, có những tháng bạn lại không có gì cả. Ngoài ra, khi bạn làm công sở, bạn được công ty đóng các khoản thuế và mua bảo hiểm. Khi bạn làm tự do, bạn phải tự lo các khoản này. Chính vì vậy trước khi có suy nghĩ bắt đầu chuyển hẳn sang làm freelancer, đây là một vài câu hỏi bạn nên suy nghĩ:
- Mình đã có một khoản tiết kiệm đủ sống trong 3-6-12 tháng mà không cần phải làm gì chưa? Tốt nhất bạn nên có khoản này, trước khi bắt tay vào làm freelancer. Để kể cả trong trường hợp không có jobs nào trong vài tháng tới, bạn vẫn sống tốt.
- Mình có thể tự mua bảo hiểm cho bản thân được không? Nếu không làm công ty và không được mua bảo hiểm nữa, bạn có một khoản tiền nhỏ để tự mua một hợp đồng bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) cho bản thân không? Hợp đồng bảo hiểm có vô vàn mức giá, với cá nhân mình đang là ở mức khoảgn 15 – 20 triệu / hợp đồng trong một năm. Bảo hiểm rất quan trọng dù có thể bạn không dùng tới trong nhiều năm, vì nó là một thứ giúp bạn phòng ngừa rủi ro. Chẳng ai biết được tự nhiên một ngày đẹp trời đổ bệnh, nếu không có bảo hiểm thì bao nhiêu tiền tiết kiệm của bạn đi tong.
- Bạn đã tính ra được một tháng chi phí tối thiểu của mình là bao nhiêu chưa? Để sống được ở nơi bạn đang sống, 5 triệu, 10 triệu hay 20 triệu mới đủ? Bạn nên có con số này, vì nó sẽ là tiền đề để bạn tiết kiệm các khoản tiền kiếm được trong tháng, cố gắng làm sao đáp ứng được con số tối thiểu này trước tiên. Trước khi chuyển sang làm freelancer, bạn cũng phải tính toán xem là các dự án tiềm năng mình đang có trong tay có mang lại con số thu nhập này cho mình không.
- Bạn đã tiết kiệm được tối thiểu 20% thu nhập mình có chưa? Việc này rất quan trọng, vì tiền tiết kiệm là thứ giúp bạn đi đường dài. Nếu bạn làm công sở, lỡ tiêu hết tiền tháng này thì lấy lương tháng sau bù vào – không sao cả. Làm freelancer không có như vậy, ai biết tháng sau bạn có dự án hay không, vì vậy cần phải có tiền dự phòng.
Lo lắng thứ hai là cảm giác so sánh với những người đi làm công sở
Nếu bạn là một freelancer thành công, bạn sẽ chẳng mấy lo lắng về việc này. Tuy nhiên nếu bạn mới là một freelancer chập chững vào nghề, công việc chưa nhiều, thu nhập chưa cao, bạn dễ bị cảm giác này. Nhìn những bạn bè mình làm công sở khoe mức lương hàng tháng, được công ty chiêu đãi tiệc tùng, được đi du lịch chỗ này chỗ kia, được tụ họp cùng đồng nghiệp trong khi bản thân thu nhập bấp bênh, ăn uống tiết kiệm, không dám du lịch đâu, cũng chẳng có đồng nghiệp nào để tụ tập – cảm giác rất chạnh lòng.
Đây là lý do mình thấy xung quanh có nhiều người chuyển sang làm freelancer được một thời gian ngắn rồi bỏ, vì không chịu được cảm giác cô đơn. Chính vì vậy, khi bạn xác định mình không tiếp tục làm việc công sở và chuyển sang làm việc tự do, bạn phải cố gắng tưởng tượng ra viễn cảnh cuộc sống của một người làm việc tự do là như thế nào, có điều gì vui và không vui trong viễn cảnh đó.
- Bạn có thể không có lương tháng thứ 13.
- Bạn không được tụ tập thường xuyên cùng đồng nghiệp.
- Bạn không có cơ hội được học tập từ các chương trình của công ty tài trợ.
Tuy nhiên bạn có thể có:
- Sự tự do nghỉ ngơi bất kì khi nào mình muốn;
- Được làm đúng công việc mình yêu thích;
- Được gặp gỡ bất cứ người nào, học bất cứ thứ gì mình đang quan tâm.
Điều gì cũng phải đánh đổi thôi, không ai có được tất cả đâu nè.
Lo lắng thứ ba là cảm giác GATO với những người làm freelance giống mình
Đây là vấn đề bạn dễ gặp ở thị trường freelancer hiện nay. Bạn sẽ thấy rất nhiều freelancer khoe thu nhập hàng trăm triệu, đi du lịch khắp mọi nơi, gặp những người nổi tiếng… Đừng để những hào nhoáng đó đánh lừa. Có người thu nhập vài ngàn đô một tháng nhưng chỉ trong tháng đó thôi, còn các tháng khác thì đói. Có người khoe rằng họ có thu nhập vài trăm triệu từ công việc freelancer, nhưng thực tế họ làm Sale, đi bán sách chứ không làm đúng công việc chuyên môn. Có những người thì đơn giản họ giàu, gia đình có sẵn tiền nên họ không quá lo lắng về chuyện tài chính. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đừng quá để ý đến người khác mà hãy tập trung vào mình trước tiên.
Hãy cẩn thận kẻo bị sa vào bẫy của sự thoải mái
Khi bạn làm freelancer, bạn dễ bị rơi vào cái bẫy này. Thích ngủ đến mấy giờ thì ngủ, không phải đi làm đúng giờ. Cũng không có ai ép bạn phải học hay nâng cao năng lực. Dần dần bạn ngủ quên trong sự thoải mái này. Giải pháp là bạn phải tự kỉ luật bản thân. Là một freelancer, bạn chính là người sếp của mình. Phải đặt ra cho bản thân giờ giấc làm việc cụ thể, mỗi ngày cần giải quyết được bao nhiêu đầu việc.
Cần đặt mục tiêu mỗi tuần hoặc mỗi tháng học kiến thức gì mới, học ở đâu, đầu tư bao nhiêu tiền. Khi có tư duy này thì dần dần công việc của bạn mới phát triển hơn. Nếu không sau vài năm làm freelancer, bạn sẽ bị thụt lùi. Lúc đó công việc freelance ngày càng ít (do có người khác giỏi hơn), quay lại thị trường lao động làm công ty cũng khó vì không theo kịp các đồng nghiệp.
Một vài dòng mình viết ở trên hi vọng có thể giúp bạn nhìn rộng hơn về bức tranh của người làm freelancer. Công việc freelancer hiện nay có rất nhiều cơ hội, rất triển vọng, nhưng bên cạnh việc tìm hiểu những điều hay, hãy hiểu thêm cả những điều không hay để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Chúc bạn thành công.
Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com
Xem thêm:
- Những kỹ năng cần thiết cho freelancer
- Là Freelance Developer, bạn nên “định giá” bản thân như thế nào?
- Outsource là gì? Công ty Outsource hay Product sẽ tốt cho Developer
Xem thêm Tìm việc Developer hấp dẫn trên TopDev
- 3 3 tips để “marketing” CV đến nhà tuyển dụng hiệu quả
- T Tìm hiểu ngành kỹ thuật máy tính: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp
- 4 4 cách giúp bạn thoát khỏi nhàm chán trong công việc
- M Mẹo nâng cao kỹ năng xã hội để thành công trong công việc
- L Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp nơi làm việc?
- H Học phí ngành công nghệ thông tin các trường năm 2024 – 2025
- T TOP 4 môn học quan trọng trong ngành công nghệ thông tin
- F Freelancer là gì? Các nghề freelancer có thu nhập cao tại Việt Nam
- T Thử làm 5 điều sau để cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc
- N Nghề Freelance và những lo lắng cần phải vượt qua