Gặp gỡ Nguyễn Sơn Tùng CTO Viec.co – Quán quân StartupViet 2019

Đôi nét về anh Tung NS – Nguyễn Sơn Tùng – CTO/Founder | Việc Có

Anh Sơn Tùng từng có 5 năm kinh nghiệm giữ vị trí Head of Technology (Giám đốc kỹ thuật) tại Tiki.vn – sàn giao dịch TMĐT lớn nhất hiện nay. Hiện tại đang nắm giữ vị trí Co-founder & CTO của Viec.co – ứng dụng cùng tên để kết nối người lao động làm việc ngắn với các doanh nghiệp một cách nhanh chóng và đơn giản.

Từ vị trí là một Manager của một trong những trang TMĐT hàng đầu Việt Nam cho đến việc trở thành Founder/CTO của một Startup đoạt giải quán quân Startup Việt và gọi vốn thành công 300.000 USD tại Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam. Trong cuộc nói chuyện hôm nay, anh Sơn Tùng sẽ chia sẻ 1 số kinh nghiệm quý giá  trong lĩnh vực công nghệ cũng như phác họa chân dung của 1 người làm CTO ở nhiều môi trường khác nhau. Hãy cùng TopDev gặp gỡ anh Sơn Tùng trong chương trình Chuyên Gia Nói ngày hôm nay nhé!

Chào anh, anh có thể chia sẻ với mọi người về công việc hằng ngày của mình cho mọi người được hiểu thêm về công việc của anh được không?

Mỗi ngày việc đầu tiên khi tới công ty, tôi sẽ lập 1 cái danh sách (blue-list) để xem mình dùng thời gian cho việc gì trong ngày cho nó chất lượng. Cụ thể hơn như là tôi sẽ xem công việc tiến độ ra sao, mọi người có cần tôi hỗ trợ gì không, rồi review công việc của mọi người, sau đó tôi sẽ trao đổi với các team về kinh doanh khác, coi có gì cần cập nhật hoặc chuẩn bị cho planning kế tiếp của team không, rồi thỉnh thoảng tôi sẽ “phân thân” vào phụ mọi người ở các phần việc khác nhau.

Ngoài ra thì tôi cũng dành khá nhiều thời gian để đi kết nối gặp các bạn có cùng chí hướng để xây dựng team và thỉnh thoảng cũng đi gặp khách hàng nữa. 

Hiện tại VIEC.CO đã có những chỉ số hoạt động đáng kể nào, anh có thể chia sẻ cho mọi người được biết không?

Sau 1 năm hoạt động thì bên tôi cũng may mắn là có khoản 50.000 cộng tác viên đăng ký đi làm, cũng giúp kết nối việc làm cho khoảng hơn 100 công ty, và nếu tính trên việc làm thực sự đã diễn ra thì bọn tôi có tạo ra được 500.000 giờ làm giữa 2 bên. 

Gặp gỡ Nguyễn Sơn Tùng CTO Viec.co

Đó là một con số rất ấn tượng, vậy theo anh, để đạt được những thành quả đó, với vai trò là một CTO thì điều quan trọng nhất là gì?

Về vai trò này thì tôi có 4 đặc điểm tối quan trọng như sau 

Thứ 1, CTO thì phải giỏi về công nghệ, vì bạn phải chịu trách nhiệm trả lời mọi thứ về công nghệ, nó có triển khai được không và mọi thứ thì bạn phải có 1 độ hiểu sâu nhất định, không chỉ cho những thứ đang diễn ra mà cho mọi thứ sắp tới nữa, đó là điều quan trọng nhất. 

Điều thứ 2 là bạn phải biết cách xây dựng 1 team hoàn chỉnh, bởi nếu làm 1 mình thì bạn sẽ không làm được những việc lớn, việc khó khăn nhất là tìm ra những người cùng chí hướng, từ đó giúp họ, cùng họ phát triển và trụ lại ở lại công ty. Nhìn chung thì chiến lược của công ty có thể thay đổi lên xuống, nhưng tôi có 1 team mạnh thì mình làm gì cũng được.

Đặc điểm thứ 3 là 1 CTO thì phải biết cách để giúp cho team của mình triển khai được sản phẩm hoặc ý tưởng. Dù bạn có bao nhiêu người giỏi cạnh bên nhưng không có triển khai được ý tưởng hay sản phẩm thì cũng chả giải quyết được vấn đề nào hết. Để làm được như vậy, bạn CTO đó phải xây dựng cho được 1 thứ mà tôi hay gọi là engineering, bao gồm có văn hóa, quy trình, những thứ cần thiết để mọi người biết là sẽ làm việc theo cách như thế nào. Có được điều đó, công ty sau này phát triển lớn lên sẽ có những vị trí chuyên trách như là head director hoặc là VP hoặc là engineering riêng, còn thời gian đầu thì CTO phải làm tất tần tật những việc đó.

Cái thứ 4 mà tôi nghĩ rất là cần là CTO thì phải là người hiểu rất là rõ về business và khách hàng, thì khi đó mới nói chuyện cùng ngôn ngữ được với những team khác. Từ đó tôi mới có thể dùng công nghệ của mình để giải quyết vấn đề và chuẩn bị tốt nhất cho sản phẩm của mình, để nó có thể cũng đáp ứng được cái nhu cầu của tất cả mọi người. 

Tôi nghĩ đó là 4 yếu tố cơ bản nhất, còn 1 cái cuối cùng thì tôi nghĩ mọi người chắc cũng biết đó là sẽ phải học, bởi vì mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh. Tôi học để biết mình áp dụng những công nghệ gì, và chuẩn bị cho việc đón đầu những xu hướng công nghệ tiếp theo.

Với tư cách là một CTO, anh có trực tiếp tham gia code hay trực tiếp đảm nhiệm công việc nào? Theo anh thì phần việc nào CTO không nên trực tiếp làm?

Từ lúc triển khai ban đầu, khi chưa thực sự có gì thì CTO phải làm tất cả mọi thứ. Làm từ code như 1 developer, test như 1 QC, làm sản phẩm để có UI prototype, hay DevOps rồi system deploy tất cả mọi thứ. Tôi cũng code VIEC.CO từ những dòng đầu tiên từ cho mobile cho backend mà từ từ rồi sẽ có người khác tiếp sức. Từ đó, công việc, vai trò của tôi, về những chuyện mà tôi sẽ nhúng tay sâu vào sẽ giảm bớt lại.

Tôi tránh dẫm chân lên mọi người ở những chỗ tôi cảm thấy mọi người có thể làm được hoặc có tiềm năng sẽ làm được, cần tạo cho họ cơ hội để họ có thể làm chuyện đó. Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn phải làm chi tiết như là 1 số technical *debt. Khi thấy mọi người đang gặp khó khăn ở đâu thì tôi cũng phải xắn tay áo lên. Hay đôi lúc có một ý tưởng về business muốn thử nghiệm và triển khai nhanh chẳng hạn, thì CTO cũng có vai trò là sẽ nghiên cứu và triển khai. Ví dụ có 1 đợt mọi người muốn thử nghiệm chấm công bằng công nghệ bluetooth, tôi cũng phải tự nghiên cứu để làm 1 cái MVP (Minimum Viable Product) thử. Đó là chi tiết những gì tôi phải làm. 

Được biết trước đây anh từng làm manager tại Tiki, anh có thể chia sẻ về sự khác nhau khi làm ở 1 tổ chức lớn và ở Startup như VIEC.CO không?

Trước đây thì tôi từng đảm nhận vai trò Head of Technology 5 năm ở Tiki. Vị trí này đối với 1 công ty startup nhỏ như tôi khá tương đồng, nhưng cũng tồn tại sự khác biệt. Khi phụ trách về công nghệ ở Tiki cũng có thách thức cũng tương đối lớn. 

Ví dụ đầu tiên là thách thức để tăng trưởng. Lấy ví dụ bạn có thể đóng 1 chiếc ghế trong vòng một ngày hết sức dễ dàng. Nhưng nếu mà bạn phải đóng chiếc ghế trong vòng 1 giờ và càng ngày càng rút ngắn thời gian, chiếc ghế còn phải đẹp hơn nữa thì việc này sẽ đẩy bạn đến giới hạn cuối cùng của bản thân. Bạn sẽ phải học hỏi và rèn luyện thêm hàng ngày.

Thách thức thứ 2 khi làm với 1 công ty lớn như Tiki đó là bạn phải giải quyết nhiều việc cùng 1 lúc. Thứ nhất, bạn phải duy trì cải tiến những hệ thống cũ, sản phẩm của lúc không có người giỏi tham gia (và họ có xu hướng thích làm cái mới) và bên cạnh cái cũ thì mình phải build những cái mới. Sau đó, phải đi làm chuyện khác như là làm sao migrate những cái cũ sang cái mới. Đó là những việc phức tạp, rủi ro mà không phải ai cũng dũng cảm để làm. Tôi sẽ phải làm sao để mọi thứ nó đều chạy ổn định. Nó không giống startup khi bạn build mọi thứ mới ngay từ đầu, đó là công việc tương đối dễ dàng.

Đấy là những thách thức cơ bản nhất khi bạn làm ở cái startup lớn như Tiki, còn khi làm ở startup nhỏ thì có những điểm thú vị. Thứ nhất, bạn có nhiều cơ hội học hỏi hơn. Ở 1 tổ chức lớn, không phải việc gì bạn cũng có thể tham gia vào ngay được, vì bạn sẽ phải cần có độ sâu sắc nhất định trong từng lĩnh vực. Sự sâu sắc đó không phải tự nhiên bạn tích lũy được mà đến từ một quá trình trước đó. Khi tham gia những startup nhỏ, bạn có cơ hội tích lũy dễ dàng hơn, tích tiểu thành đại. 

Trước đây tôi cũng đảm nhận một vài vị trí mà tôi cảm thấy từng trải qua trong quá trình trước đó. Lúc làm ở vị trí product manager, tôi thực sự chưa hiểu rõ về business khi mình làm. Tôi tìm hiểu qua bằng việc đọc sách rồi thử nghiệm. Nhưng sau khi hoàn thành thì kết quả chưa được tốt. Nhưng dựa trên nền tảng đó, khi làm vị trí hiện tại, khi làm business tôi đã có góc nhìn về business tốt hơn. Đó là cách để tôi học hỏi từ từ, tích lũy để tôi làm startup quy mô lớn hơn. Đó là sự khác biệt khi mà làm cho cái lớn và cái nhỏ.

Anh có thể chia sẻ ví dụ cụ thể hơn khi merge từ công nghệ cũ sang công nghệ mới ở Tiki không?

Tôi có một trải nghiệm về chuyện merge rất đáng nhớ. Khi tôi vô Tiki, họ có hệ thống tương đối phức tạp, quy mô năm 2012 có thể hình dung: khoảng 1000 table và 300 extension chạy trên 1 nguồn mở. Khi có sự cố, bug, vấn đề xảy ra, mọi người cảm thấy bức xúc, cần phải giải quyết. 

Có vấn đề có thể giải quyết được bằng cách fix trực tiếp, có những cái rất là vô vọng. Tôi buộc phải build 1 hệ thống mới nhỏ gọn hơn, đáp ứng đúng cái nhu cầu của Tiki. Nhưng với nguồn lực có hạn, tôi không thể tập trung build một thứ được mà tôi phải tách nguồn lực ra để làm nhiều thứ cùng lúc. Sau khi mất thời gian để build được cái hệ thống core platform của Tiki đó rồi, bài toán tiếp theo là làm sao đưa hệ thống này vào sử dụng. Việc đẩy hệ thống rất lớn qua 1 hệ thống mới hoàn toàn khá là thử thách. Không thể 1 ngày là chuyển giao được mà vẫn phải duy trì fix bug ở bên này, build hệ thống mới ở bên kia. Rồi bạn dành thời gian process để merge cái cũ sang cái mới.

Tôi nhớ mình làm 1 cái script chạy 5 tiếng đồng hồ, đẩy toàn bộ dữ liệu qua và gặp rất nhiều lỗi bởi vì cũ mới thì có những cái không tương thích. Đây cũng là ví dụ về công việc tương đối phức tạp, yêu cầu bạn phải vừa phải rất hiểu cái cũ cũng như rất hiểu cái mới. Không phải ai cũng dũng cảm và sẵn sàng để làm chuyện như vậy và CTO chắc chắn sẽ là người nhận trách nhiệm đó về mình. 

Lý do nào anh chọn khởi nghiệp với ý tưởng sàn giao dịch việc làm thời vụ VIEC.CO?

VIEC.CO tôi start cùng với 1 bạn Co-founder nữa. Bọn tôi mỗi người đến với mục đích khác nhau nhưng đều chung muốn giúp những người lao động phổ thông, những người thu nhập chưa cao, nhiều rủi ro ở trong xã hội. Mọi người có thể hình dung, mỗi tháng mọi người nhận lương thì nghe ‘ting ting’ có khi mấy chục triệu là chuyện bình thường. Nhưng với người lao động phổ thông, mỗi kỳ hay mỗi tuần bọn tôi chuyển cho họ vài trăm nghìn thì họ cũng reo lên sung sướng. Hoặc với 1 triệu mình mua sắm được vài thứ, nhưng số tiền đó đưa cho họ có khi cải thiện bữa ăn được vài tuần. Hoặc là giúp đứa bé đóng học phí không bị cô nhắc nữa chẳng hạn. Đó là động lực để cho bọn mình làm hệ thống này và tiếp tục sẽ làm hệ thống này. 

Hiện tại VIEC.CO cũng được offer từ chương trình Shark Tank và đồng thời cũng là quán quân của Startup Việt 2019 thì – Sau những sự kiện như vậy thì chỉ số hoạt động của VIEC.CO thay đổi tích cực như thế nào? 

Rất là may mắn là bọn tôi đã có 1 cái deal với Shark Tank và quán quân Startup Việt, ngay sau đó bọn tôi cũng rất là bất ngờ với những cái kết quả đi kèm. Có thể mô tả như sau: có một vài ngày, số khách hàng tăng bằng cả năm cộng lại vậy. Có những khách hàng mang lại cho bọn tôi cơ hội mới,  không chỉ là khách hàng mới mà còn nhu cầu mới và từ đó đến nay bọn tôi đã làm việc rất chăm chỉ để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng đó. 

Ngoài những thành công, anh có thể chia sẻ một kỷ niệm sai lầm đáng nhớ mà anh từng mắc phải? 

Có một sai lầm mà tôi nghĩ sẽ nhớ rất là lâu. Cách đây cũng 8 năm, khi tôi bắt đầu tham gia Tiki, tôi tham gia với 1 cái tâm thế là mình đã làm 1 cái hệ thống rất lớn, 1 website có thứ hạng thứ 18 trên Alexa. Tôi tin là với Tiki cũng nhỏ thôi, mình tin là sẽ làm ok. Nhưng thực ra thời điểm đó tôi chỉ là tay mơ trong lĩnh vực thương mại điện tử thôi. Hệ thống Tiki rất phức tạp, 1 hệ thống e-commerce pha rất là nhiều (mà chuyên ngành gọi là) write xuống chứ không phải là read như các trang web khác. Cho nên khi đó Tiki làm event là hệ thống bị quá tải, kinh nghiệm rút ra là tôi cần phải rất là ‘ở dưới mặt đất’, nghiên cứu rất là kĩ những cái gì tôi sắp làm và có sự chuẩn bị phù hợp thì tôi mới làm. 

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn developer trong công việc nâng cao kỹ năng cũng như career path.

Để trả lời câu hỏi đó thì tôi xin chia sẻ câu chuyện mình đã từng giới thiệu 1 bạn trong team cho Facebook. Bên Facebook hỏi tôi là theo bạn “người nhân viên này nằm trong top bao nhiêu những người bạn đã làm việc cùng?”. Từ chuyện đó, tôi có liên hệ tới 1 số chuyện khác, khi tôi đã làm việc với rất là nhiều bạn rồi, phỏng vấn khá nhiều thì phải để trở thành 1 cái gì đó rất giỏi, làm được những công ty lớn thì các bạn phải định vị mình là ai trong số tất cả những người còn lại. Ở trong lớp, bạn top bao nhiêu, trong 1 nhóm, hội nhóm, bạn định vị mình là như thế nào, bất kể là bạn đang là bao nhiêu, quan trọng là bạn phải định vị mình, đặt mục tiêu cho mình. Trong sự lựa chọn 100 người tại sao người ta tuyển bạn? Đấy là câu hỏi phỏng vấn thường hay hỏi nhất. Khi mà bạn định hình cho mình một mục tiêu rất cao và chăm chỉ đạt được mục tiêu đó, bạn sẽ có cơ hội làm khác biệt, để làm những chuyện lớn hơn trong tương lai.

Anh có thể chia sẻ một vài lý do để các bạn Developer join vào team VIEC.CO?

Thứ nhất, hiện nay bọn tôi đang có nhiều thách thức lớn, như là xây dựng một nền tảng về lao động để mọi người làm việc, và bọn tôi tin là nó sẽ có nhiều tác động đến việc mọi người đi làm trong tương lai. Đó là một bài toán khó và phức tạp, và nó có quy mô tăng trưởng rất là nhanh nên nếu các bạn tham gia thì các bạn có cơ hội để giải quyết các thử thách đó.

Thứ 2, bọn tôi có nhiều kinh nghiệm giải quyết bài toán ở quy mô lớn như là thương mại điện tử như Tiki, từ đó cũng có thể tư vấn để giúp bạn. Với những bạn còn trẻ nhận biết đây là giai đoạn các bạn phát triển, rút ngắn khoảng thời gian để các bạn có thể phát triển nhanh hơn, và nhìn chung là team của tôi khá là ‘geeky’ thể hiện qua cái cách mà tôi tuyển dụng.

Quy trình tuyển dụng ở VIEC.CO không giống như các công ty khác. Bọn tôi không tuyển theo kiểu chỉ đăng cái job lên rồi nhận CV. Bọn tôi code hẳn 1 cái trang là tuyển dụng gọi là VIEC.CO HIRING API, cũng là cách để tôi giao tiếp với developer bằng cái ngôn ngữ của họ để đăng tuyển. Để tìm hiểu thông tin về công việc và công ty thì bạn phải gửi API, bạn sẽ nhìn thấy mô tả công việc, nhìn thấy cái bài test trên đó các bạn tự sắp list bài test và bạn thấy kết quả luôn. Khi các bạn pass bài test, tôi sẽ liên hệ lại các bạn. Đầu tiên thì cũng sẽ gọi điện hỏi thăm mấy cái vấn đề quan trọng, sau đó là phỏng vấn. 

Phỏng vấn là có cả team bọn tôi cũng phỏng vấn chung, và cuối cùng là bọn tôi sẽ quyết định là sẽ làm việc với bạn đó hay không.

Theo quan điểm cá nhân của anh, xu hướng công nghệ nào trong tương lai mà một Developer cần nắm bắt?

Xu hướng công nghệ cũng phụ thuộc vào tùy lĩnh vực. Còn đối với cá nhân tôi, tôi cũng rất là quan tâm tới AI, bởi những trải nghiệm của tôi với AI rất là tuyệt. Tôi nhớ là khi tôi tham gia một event của GOOGLE IO , tôi nghe rất nhiều SUNDAR PICHAI, anh đó chia sẻ về những thứ mà Google Assistant có thể làm được. Tôi thấy cái này thay đổi cuộc sống rất là khủng khiếp, và tôi nhìn lại thì những cái gì đang diễn ra ở hiện tại thì nó vẫn còn cách đích đến 1 đoạn, để làm sao mà tới cái đích đó thì cần rất nhiều công sức của mọi người nữa. Mọi người học nhiều hơn để chuẩn bị dần để đến cái tương lai đó.

Cũng cách mới đây mấy hôm thôi, tôi cũng thấy Elon Musk đăng tuyển dụng về AI. Những bạn nào có thể làm được AI có thể là nộp đơn cho anh ấy. Thậm chí là không cần phải là qua Đại học, thậm chí phổ thông anh ấy cũng nhận luôn. Miễn là mọi người đam mê và thuyết phục được là mình làm được thì đó là cơ hội, nó không quá xa nếu như các bạn bắt đầu sớm và tạo ra nhiều thay đổi trong tương lai.

Theo quan điểm của anh thì bằng cấp trong công việc IT có quan trọng hay không?

Chúng ta hãy hình dung bằng cấp là gì. Bằng cấp là mục tiêu đặt ra trong cái sự nghiệp của mọi người hay là cái mà ai đó bảo bạn là phải lấy? Như mọi người biết, Bill Gates cũng không có bằng đại học, nhưng bạn có thể không biết là ông là người học giỏi nhất cả mấy tiểu bang, và ông ấy cũng đang ở trong trường tốt nhất mà ra.

Câu chuyện bằng cấp nó không quan trọng nếu như bạn có mục tiêu rõ ràng. Nếu mục tiêu của bạn là lấy bằng thì bạn phải lấy bằng vì đó là commitment giữa cá nhân bạn với chuyện đó. Còn nếu mục tiêu của bạn là đi làm cái chuyện khác chẳng hạn, bạn có đủ động lực, bạn có đủ kiến thức, đủ đam mê thì bạn cứ làm. Và cá nhân tôi cũng không có quan trọng là các bạn tham gia VIEC.CO là phải có bằng cấp.

Anh có nhắc đến việc AI thay đổi cuộc sống của con người theo hướng tích cực, không biết trong tương lai anh có dự định áp dụng AI vào VIEC.CO không?

Tôi quan tâm và tôi đang chuẩn bị dần, thì cũng đi học mọi người thôi. Bởi lẽ tôi tin rằng mình đang giải quyết bài toán rất lớn. Làm sao để ai đó biết họ cần bao nhiêu nguồn lực, ai đó biết rằng họ cần những người như thế nào, rồi người họ cần có những đặc tính ra làm sao.

Như tôi tìm hiểu thì 1 startup giống VIEC.CO ở bên Mỹ, họ đang phân tích chỉ số liên quan tới người lao động, có khoảng 40 chỉ số và họ sẽ dùng những chỉ số này để xây dựng dần những hệ thống, giúp người cần lao động biết được ai phù hợp với họ và ngược lại bạn đi làm chỗ nào thì phù hợp với bạn, và đấy cũng là cái VIEC.CO sẽ chuẩn bị và đầu tư cho tương lai.

Đâu là những khó khăn và thuận lợi nào đối với một Founder, Startup có nền tảng là Tech như anh?

Thuận lợi thì mọi người biết rồi, CTO khá rành về công nghệ cho nên nếu tôi làm Startup công nghệ thì tương đối phù hợp, lên MVP và mọi thứ tương đối nhanh và cũng sẵn sàng để scale lên mức độ cao hơn nữa. Còn khó khăn thì từ đúc kết bản thân tôi, ban đầu cũng hơi khô cứng nên business sense của mình chưa có nhạy, chưa thể dễ dàng làm việc với team business. Tôi nên áp dụng những lĩnh vực này, lĩnh vực kia, những cái đó thì phải học thôi, và tôi sẽ phải tự học thêm hoặc là đi gặp gỡ khách hàng nhiều để lấy insight của họ.

Anh có thể chia sẻ với khán giả về một số cách để học Business không ạ?

Đầu tiên là đọc sách, tôi quan tâm đến lĩnh vực nào thì sẽ kiếm sách về lĩnh vực đó, rồi học chăm chỉ đi trong việc gặp khách hàng, tôi sẽ ghi nhận lại những cái insight của họ, về những cái họ cần là gì. Về sau đó là tôi sẽ so sánh lại cái suy nghĩ hồi trước mà gọi gọi là khô cứng để coi là mình suy nghĩ vậy đã đúng chưa rồi điều chỉnh lại.

Anh hãy chia sẻ về Technical Stack mà anh đã chọn và vì sao anh lại chọn Technical Stack đó?

Technical Stack của VIEC.CO hiện nay sử dụng nhiều. Về cơ bản, bọn tôi sử dụng React Native và Reactjs cho frontend của phần mobile app, core platform thì mình sử dụng Laravel cho backend, còn về hạ tầng thì dùng Google Cloud Platform, Database thì có MySQL.

Lý do mà tôi đang dùng Stack, khi bạn muốn làm việc gì, bạn sẽ bắt đầu với thứ mà bạn mạnh nhất và có đồng đội của bạn mạnh nhất nữa. Rồi bạn phải biết được là cái bạn cần làm thì cần dùng cái công nghệ gì cho phù hợp.

Tôi có thể lựa chọn theo trend thí dụ như là Golang, để làm việc đó nhưng mà bài toán của tôi nó có cần những cái như vậy và nó có phù hợp với những cái như vậy hay không, và đây một quyết định hoặc câu hỏi đặt ra thường xuyên của các bạn developer hay là technical leader thường sẽ giải quyết, sao không áp dụng cái này cái kia đi chẳng hạn. Mình thấy chuyện tranh luận đó không có hồi kết, sẽ phụ thuộc vào chuyện là bạn đang vướng cái gì.

Theo tôi để ý ở các engineer công ty khác, tại sao Airbnb phải lập cái usability hoặc là lập ra rất là nhiều công nghệ riêng của họ, như diaflow chẳng hạn. Bản chất là họ đang gặp phải 1 cái giới hạn và họ phải tìm cách phá vỡ giới hạn đó, nếu như PHP đối với mình giải quyết cái bài toán dưới 100 millisecond, dưới 50-100 millisecond ở server side cũng ok, nếu mà tôi không cần tới mức giới hạn đó thì tôi giải quyết được rồi, tùy theo cái scale của bạn đang làm là gì thì bạn phải chọn công nghệ phù hợp và người tech leader phải dành rất nhiều thời gian để lựa chọn cái stack công nghệ phù hợp thay vì là cứ thấy thị trường đang có cái gì mới thì chạy theo, rồi hệ thống của bạn phải đổi cái nọ cái kia, phải viết đi viết lại nhiều lần thì cũng mất thời gian ra, không để làm gì cả.

Các bạn có quyền là thử nghiệm và áp dụng những cái công nghệ mới nhưng là nên là 1 cái test project nào đó, đến khi bạn thực sự am hiểu nó rồi thì mình hãy dùng, đừng là cái người đi thử hết công nghệ này đến công nghệ kia trong business, mà hãy tìm hiểu rất là sâu để mình biết chắc chắn về công nghệ rồi mới áp dụng cái nào phù hợp. 

Gặp gỡ Nguyễn Sơn Tùng CTO Viec.co

Anh hay dùng công nghệ và cách thức gì để quản lý công việc của team? Cũng như là đo đạc hiệu quả làm việc của họ? 

Thời gian đầu thực sự tôi không dùng công cụ gì hết, startup mọi người làm việc rất là chăm chỉ, 200% sức lực, cái đo hiệu quả nhất là những trải nghiệm của khách hàng, rep của tôi ra sao, tôi chia sẻ lại bạn đó để bạn đó biết là à, cái này khách hàng đang chê này.

Và có những lúc mà bọn tôi deploy 1 cái chức năng nào đó hay ho, cụ thể như là làm chức năng mà đặt cho mọi người 1 cái badge để thể hiện bạn có 500 giờ để làm việc cho cái hệ thống này, deploy xong 1 ít phút  sau thì có bạn khoe “ôi tôi làm được việc nè” với mọi người, thì đó là những cách ghi nhận thành quả ghi nhận là bạn làm việc hiệu quả, rất là tốt.

Còn về cách thức bọn tôi tổ chức trong tương lai khi mà nhiều người hơn thì sẽ cần những quy trình. Thực ra bọn mình đã trải nghiệm chuyện đó rồi, ở quy mô lớn hơn thì tôi cũng đang chuẩn bị quy trình đó cho team tiếp theo, do đông hơn rồi mà. Bọn tôi sẽ có những cái gọi là Story Point để cho task mọi người làm, định nghĩa bởi vì là cái task này là effort của nó bao nhiêu kết hợp với lại cái giá trị business, sau mỗi screen rồi tự nhìn nhận tôi deliver được bao nhiêu point, đấy là 1 cách. Tuy nhiên cái ghi nhận lớn nhất cho tôi là từ khách hàng.

Làm thế nào để anh xác định những tính năng hoặc sản phẩm mà team anh cần làm tiếp? Và làm thế nào để quản lý những request đó?

Tôi sắp xếp việc đó từ 2 phía. Phía thứ nhất là Topdown, từ business xuống và tôi có cái process để phân tích những business infinitive, bọn tôi sẽ có mục tiêu đi xuống cụ thể hóa, cần phải làm gì để giải quyết cái mục tiêu đó. Rồi từ từ sẽ chuyển xuống bên dưới thành những cái ‘to do’ của developer như là IPic, Story Point hay Task.

Còn đi từ hướng thứ 2 là phía khách hàng thì team sales và mình phải đi gặp trực tiếp khách hàng, ghi nhận lại những cái nhu cầu của khách hàng, xong rồi tôi sẽ set độ ưu tiên và bỏ chung vào đánh giá lại cái gì sẽ làm.

Công cụ thì mình đang xài Jira.

Anh quan tâm đến những khía cạnh phi kỹ thuật nào khi có ứng viên muốn apply vào team?

Khi hỏi ứng viên thì tôi sẽ thường hay hỏi là thứ nhất bạn tự hào về cái gì trong quá khứ bạn làm nhất, bạn có một project, thậm chí là code hay không phải code, bởi vì khi mà bạn bỏ tâm đến cái mà bạn làm cái gì đó, tạo ra 1 kết quả thì tôi hiểu là bạn rất nghiêm túc với công việc và có thể là bạn sẽ tạo ra những kết quả awesome trong tương lai.

Cái thứ 2, tôi sẽ hỏi là bạn thường đam mê cái gì nhất. Có nhiều bạn sẽ trả lời là đam mê code, cái đó thì tùy bạn. Nếu bạn yêu code như thế, mình cũng sẽ biết thôi, nhưng cũng có nhiều bạn trả lời đam mê những cái khác nữa. Có bạn thì đam mê xem phim, hay là đi du lịch, đam mê làm cái mà đôi lúc mình cũng không biết nó là cái gì nhưng mà mình cũng đánh giá rất cao chuyện đó vì mình biết rằng là khi bạn đam mê thì bạn cũng có cái sự cam kết nhất định của mình với đam mê đó. Và khi 1 người cam kết với mục đích của mình thì các bạn sẽ đẩy cái khả năng của bạn đến 1 mức cao hơn. Như chơi game, đâu phải ai cũng chơi giỏi, cũng phải có những kỹ năng nào đó.
Và ngược lại có những bạn mà tôi cũng cảm thấy là tôi nên kết thúc buổi gặp này sớm vì bạn không thể hiện được bạn là ai cả, bạn không thực sự thích cái gì cả thì tất nhiên là bạn phải quay lại cái chuyện định hướng 1 chút.

Xin phép được cám ơn anh đã đến với buổi phỏng vấn của TopDev, và nếu các bạn cảm thấy câu trả lời của anh Tùng, những kiến thức mà anh mang lại trong buổi phỏng vấn bổ ích với các bạn thì các bạn đừng quên nhấn ‘Like & Subscribe’ ở Channel nhé, hẹn gặp lại các bạn ở các series tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm việc làm Developer hấp dẫn tại TopDev