Gặp gỡ Charles Lee – Founder tại CoderSchool
Tốt nghiệp tại đại học Berkeley với tấm bằng Computer Science và trải qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc với vị trí Software Developer tại Silicon Valley, Charles Lee đã mang tất cả những kiến thức tích lũy được trong quá trình làm việc vào trong sứ mệnh mới của mình: công việc giảng dạy tại CoderSchool.
Với “Chuyên gia nói” kỳ này, hãy cùng tìm hiểu thị trường IT Việt Nam tiềm năng qua phần chia sẻ của cựu kỹ sư Silicon Valley – anh Charles Lee nhé.
Về khách mời Charles Lee:
Mình là Charles Lee, tên tiếng Việt là Sang, hiện mình là CEO của CoderSchool. Mình là một người gốc Hàn và lớn lên ở Hoa Kỳ. Mình học về Computer Science và có kinh nghiệm làm việc, ở vị trí Software Developer tại Silicon Valley. Hiện tại mình đã sống tại Việt Nam được gần 5 năm, mình thì có sở thích là chơi bóng rổ, chạy bộ, và mình có một chú chó poodle nhỏ tên là Chuồn Chuồn.
Anh đã từng làm Software Developer, tại sao anh lại ngưng sự nghiệp kỹ sư và bắt đầu với việc giảng dạy?
Mình cho rằng, bạn thực sự sẽ không bao giờ ngừng việc trở thành một kỹ sư lập trình. Việc trở thành một kỹ sư giống như một cách sống, giống như nói: bạn sẽ không ngưng việc mình là một nhà thám hiểm hay một người thích phiêu lưu. Tuy nhiên, thực sự mình cũng ít lập trình hơn khi trước, và câu trả lời thực sự là bởi vì mình cảm thấy bản thân có mối liên kết với công việc giảng dạy. Ở vị trí Engineer, mình cảm thấy vui với việc đối mặt với những vấn đề, mình thích xây dựng mọi thứ, mình thích giải quyết những vấn đề. Nhưng khi mình bắt đầu công việc giảng dạy, giải quyết các vấn đề nhưng làm thế nào để hướng dẫn người khác giải quyết chúng một cách hiệu quả.
Kể cả khi mình nhận thấy đó là vấn đề đó thực sự quan trọng thì cũng phải xét xem liệu công việc đó có thực sự liên kết với bản thân mình không. Vì thế, cái cảm giác mà bạn có, khi lần đầu giảng dạy một nội dung gì cho ai thật sự rất tuyệt vời.
Trước khi thành lập CoderSchool anh đã làm việc cho nhiều công ty lớn và các startup như Palm.Inc, Volkswagen Electronics, Research Lab, Luvocracy. Vậy theo anh, đâu là sự khác biệt nào khi làm việc ở một công ty lớn so với một startup?
Đây là câu hỏi rất hay. Sẽ có những điểm thuận lợi và khó khăn ở cả những công ty lớn và nhỏ. Đa số thời gian mình làm ở những môi trường startup (khoảng 10 năm). Mình thật sự rất thích làm việc ở những công ty lớn bởi vì ở đây, bạn sẽ dễ dàng tạo ra những ảnh hưởng to lớn. Mình còn nhớ, lần đầu là ở Palm (vào thời gian đó thì đây là một trong những công ty dẫn đầu về sản xuất smartphone, chỉ sau iPhone), cảm giác rất tuyệt khi nhận ra rằng những đoạn code đang viết sẽ được “chuyển” cho hàng triệu chiếc điện thoại trên khắp thế giới. Bạn có thể đến các cửa hàng để mua những sản phẩm mà chính mình đã làm. Mình cảm thấy rất thú vị và làm việc ở một công ty lớn cho phép bạn thực hiện những điều ấy. Tuy nhiên, mình thích làm việc ở các startup hơn, nơi mà mình tin sẽ có những tác động một cách nhanh hơn. Ở Volkswagen mình làm về Prototype Feature cho một hệ thống định vị. Với một hệ thống định vị dựa trên nền tảng AI năm 2008, nó đã được “tạm duyệt” và đoạn code của mình sẽ được “chuyển” đi vào năm 2018, đó là tận 10 năm cho đến khi thấy một thứ mà mình đã viết được trở thành một sản phẩm thực sự. Lúc đó mình vẫn còn rất trẻ, 10 năm cứ như là mãi mãi ấy. Vì thế không có chuyện ngồi đợi ngần ấy thời gian và đó là lý do tại sao mình đã bước chân vào thế giới startup, nơi mà bạn có thể xây dựng một thứ, và ngày hôm sau mọi người có thể nhìn thấy được nó.
Với công việc chính của anh hiện tại – CoderSchool. CoderSchool là gì và vì sao anh thành lập nó? Và tại sao anh chọn Việt Nam?
CoderSchool là một trường dạy về code tuyệt nhất tại Việt Nam- đó chính là mục tiêu tập thể hướng đến. Công việc của CoderSchool là hướng dẫn mọi người cách bắt đầu một sự nghiệp trong lĩnh vực IT, chúng tôi có những khóa học Fulltime và Parttime cho chương trình 3 tháng hoặc 6 tháng chuyên về Web Development và Machine Learning. Vì thế, những ai muốn học về IT hay trở thành một lập trình viên để tham gia vào một lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao như thế này thì có thể tham gia vào các lớp của CoderSchool và học chúng một cách hiệu quả nhất. Về câu hỏi tại sao lại là Việt Nam, mình cho rằng câu trả lời sẽ có hơi cá nhân một chút bởi mình đang ở đây. Khi lần đầu mình đến Việt Nam, 5 năm trước mình không hề dự định nào, thậm chí mình còn không nghiên cứu các trường dạy code khác. Nhưng lúc này mọi người cảm thấy hứng thú với những trải nghiệm của mình – một kỹ sư phần mềm tại Silicon Valley và đồng thời họ cũng hứng thú với việc học những thứ mới. Với những thắc mắc của họ, mình nhanh chóng nhận ra rằng, tại đây chưa có những khóa học bài bản nào về IT cả, vào thời điểm ấy có rất ít nơi để học lập trình (programming). Vì thế, vào 5 năm trước, mình đã bắt đầu một lớp về iOS (hay nói cách khác là một khóa học lập trình cho iPhone) và mình muốn thử xem, liệu có ai hứng thú với nó và đã có rất nhiều người đăng ký. Điều này khiến mình cảm thấy rất hào hứng. Nó khiến mình cố gắng để thực hiện một lớp học tốt thực sự: như việc giảng một cách chậm hơn để người nghe theo kịp. Và cứ thế sau này, những lớp học khác ra đời.
CoderSchool đã nhận được một khoản đầu tư, anh có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về việc này chứ?
Đó quỹ đầu tư mang tên Trive Venture ở Singapore vào năm 2018. Rất tuyệt khi nhận được vốn từ đúng nhà đầu tư. Mình thật sự may mắn. Anh ấy bảo rằng: “tìm đúng nhà đầu tư có thể giúp doanh nghiệp bạn phát triển là một điều thực sự rất tuyệt vời”. Mình đã thực sự may mắn vì đã hợp nhau để có thể giúp CoderSchool phát triển. Họ đã tạo điều kiện rất ấn tượng, sau đó doanh nghiệp mình đã phát triển rất nhanh. Tất cả kế hoạch, dự định tưởng chừng sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện, đã được thúc đẩy xúc tiến bởi thương vụ đầu tư này.
CoderSchool và những điều đặc biệt
Thế thì tại sao những nhà đầu tư này lại chọn CoderSchool?
Mình không chắc nữa, có thể có rất nhiều lý do để họ chọn CoderSchool nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Mình nghĩ Việt Nam là “một bức tranh lớn” với họ, có thể các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của Việt Nam là một thị trường rất sôi động để đầu tư vào, và sẽ có rất nhiều sự tăng trưởng trong thập kỷ tới. Mình cho rằng họ đặt cược vào thị trường Việt Nam và họ đến với CoderSchool sau khi đã tìm hiểu về thị trường Việt Nam và đó là một phần lớn của lý do, và mình cũng đoán rằng đôi lúc chúng ta cũng có cảm giác những nhà đầu tư này quyết định dựa trên giá trị họ đầu tư vào các doanh nghiệp quan tâm đến những vấn đề mà họ đang muốn giải quyết. Đó cũng chính là những vấn đề CoderSchool hướng đến hoặc đang thực hiện và đó cũng là một điểm cộng với họ.
Khá chắc khán giả sẽ thắc mắc, liệu rằng mô hình kinh doanh của CoderSchool là một tổ chức phi lợi nhuận?
Đây không phải là một tổ chức phi lợi nhuận. Mình cảm thấy rất vui vì đôi lúc mọi người hay hỏi mình câu đấy. Có vẻ như là những việc CoderSchool đang làm đang tạo một hình ảnh tốt và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Nhưng không, chúng tôi thực sự có một Mô hình kinh doanh. CoderSchool tạo giá trị cho mọi người bằng cách dạy mọi người kỹ năng mới, từ đó họ có thể có một mức lương cao từ một công việc tốt. Còn về các công ty thì có được những phần mềm tuyệt vời, giải quyết được rất nhiều vấn đề và đồng thời CoderSchool cũng phải mang lại lợi nhuận cho mình.
Khi truy cập website của CoderSchool sẽ thấy cụm từ ISA “Income Share Agreement” anh có thể giải thích thêm chi tiết không?
ISA là một mô hình thanh toán học phí mới. Với ISA, thay vì trả trước học phí bạn có thể cam kết trả một phần lương sau khi có được một công việc. Đây là một cách để có thể tham gia học. Ưu điểm nổi trội của ISA là nếu bạn có được một công việc tốt thì bạn sẽ trả nhiều hơn một chút nhưng nếu bạn có một công việc không phù hợp hay không có việc bạn sẽ phải trả ít hơn, thậm chí là không cần chi trả. Điều này khiến cho cả nhà trường và học viên có cùng một mục tiêu. Nếu nhà trường không dạy bạn những gì thực sự hữu ích bạn sẽ không cần trả tiền, và mình nghĩ điều đó rất công bằng.
Em không biết là liệu mô hình này của CoderSchool (ISA) có phải là một mô hình phổ biến trên thế giới hay chưa?
Mình không thể nhận việc sáng tạo ra mô hình ISA này là của mình. Đây thực sự đã là một mô hình phổ biến trên thế giới đó là một mô hình ở những giáo dục bậc cao tại Mỹ. Tại một số trường đại học cũng có mô hình này và thậm chí tại những chương trình giảng dạy về code (bootcamp) thì còn phổ biến hơn nữa có rất nhiều trường ở Mỹ và Châu Âu hoạt động dựa trên nguyên tắc này.
Anh có thể chia sẻ quan điểm về sự phát triển của giáo dục và khi giáo dục phát triển như thế thì bên nào sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là trong lĩnh vực IT?
Mình nghĩ điều giúp giáo dục phát triển chính là việc mọi người cảm thấy hứng thú với nó. Mình nghĩ Việt Nam là một nơi rất tiềm năng, và một trong những điều tuyệt vời nhất chính là văn hóa giảng dạy và học tập tại Việt Nam rất vững vàng. Mọi người thường dạy nhau về đạo lý “tôn sư trọng đạo” vì vậy mình nghĩ vấn đề là ở chỗ hãy tìm những người có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, và cả kinh nghiệm sống. Hãy kêu gọi những chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức. Mình cho rằng với sự phát triển của ngành IT thì mọi người sẽ cùng hưởng lợi. Nhìn chung thì sẽ xuất hiện các đối thủ cạnh tranh, những trường dạy coding khác sẽ xuất hiện. Điều đó cũng tốt, về toàn cảnh thị trường sẽ có khoảng 20 trường dạy coding ở Việt Nam và vẫn sẽ không đủ bởi vì nhu cầu thực sự quá cao, tiềm năng rất lớn sẽ có những trường rất tốt. Hy vọng CoderSchool sẽ là một “nhân vật chính” trong số đấy.
Dường như các học viên của CoderSchool đến từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Làm thế nào anh có thể điều chỉnh một nền tảng phù hợp cho tất cả mọi người tại các quốc gia khác nhau?
Mình sẽ trả lời câu hỏi bằng cách chia sẻ điều mình thích nhất về Computer. Lý do chính mà mình thích ở Computer chính là không có sự khác biệt nhiều tại các quốc gia. Khi nói về Computer, mọi nơi đều như nhau, ngôn ngữ lập trình đều mới mẻ với mọi người. Nó không phải như kiểu ở một quốc gia này thì có thể dễ học hơn ở một quốc gia khác. Có thể nói nó đều rất phức tạp với mọi người, mỗi người điều phải cố gắng để học lập trình. Về việc chúng tôi có phải thay đổi gì cho phù hợp thật sự không nhiều. Ở khóa đầu tiên mình cũng áp dụng tương tự những lớp mà mình đã giảng dạy tại Silicon Valley. Quan trọng là cuối cùng mình phải truyền cảm hứng cho học viên, phải cho họ những sản phẩm thú vị để thực hành, phải hướng dẫn thật rõ ràng mình phải cười rất nhiều khi giảng dạy.
Những chia sẻ về ngành lập trình
Câu hỏi này hơi cá nhân một chút. Ngôn ngữ lập trình yêu thích nhất của anh là gì?
Có một ngôn ngữ rất hay mà hiện tại mình đang học, một ngôn ngữ cũ, gọi là OCaml. Về ngôn ngữ OCaml nó như kiểu một phương ngữ (dialect) gọi là Reason có rất nhiều niềm vui trong việc Dev với REACT. REACT là một framework rất phổ biến và thường được viết trong JavaScript nhưng bạn cũng có thể chạy nó bằng ngôn ngữ khác dựa trên OCaml. Mình cho rằng ngôn ngữ này rất hay ho bởi vì một trong số những lý do mà mình trở thành giảng viên là vì thích học những thứ mới. Việc trở thành giảng viên là một sự biện hộ cho việc đi thử tùm lum những thứ “dị hợm” và mình thích nó và mình nói như thế cũng bởi nó khiến mình cảm thấy bản thân thật “nguy hiểm” *joking* nhưng cuối cùng thứ mà mình cảm thấy thoải mái nhất vẫn là JavaScript. Đó chính là thứ mà mình thực sự dạy nhưng sau rất nhiều khóa học, mình đã học rất nhiều mình đã làm việc với JavaScript, Ruby, C… rất nhiều thứ tương tự.
Nếu giả sử là một người mới trong việc học lập trình, coding vậy thì em nên bắt đầu với ngôn ngữ nào trước tiên?
Ở khía cạnh học thuật, mọi người thường bảo nhau rằng Python là một ngôn ngữ đáng để học. Mình cũng cho là như vậy, bởi vì như kiểu nó thích hợp và chỉ cần một cách để làm rất nhiều thứ. Vì thế, là một ngôn ngữ, nó có vẻ có một chút thiếu linh hoạt với một số người nhưng nếu bạn là một người mới, muốn làm cái này một chút, thử cái kia một chút và dễ học một chút thì Python thường được khuyến khích. Mình cũng được biết tại Stanford hay Berkeley, ngôn ngữ đầu tiên được học thường sẽ là Python. Tuy nhiên sẽ không có đáp án đúng sai trong câu hỏi này bạn có thể học bất cứ thứ gì miễn là bạn đang học thì mọi thứ đều rất đáng, theo ý kiến cá nhân mình.
CoderSchool đang giảng dạy về một số lĩnh vực đặc biệt về Web Development và Machine Learning thế thì tại sao anh lại chọn Machine Learning và Web Development mà không phải những thứ khác?
Bởi đó là 2 khóa học phổ biến nhất theo nhu cầu thị trường và nhu cầu người học. Đầu tiên về Web Development. Theo mình thấy, đa số những công việc ngoài kia thường là về Web Development, có thể nói gần một nửa công việc ngoài kia là liên quan đến Web Development theo nhiều cách khác nhau. Còn về Machine Learning, dường như nó chính là tương lai của công nghệ. Khá là rõ ràng, ngành này đang phát triển mạnh Data, Machine Learning,… những thứ này tất cả sẽ là một cuộc cách mạng 4.0 mà mọi người thường hay nhắc đến. CoderSchool cũng thường hay chạy rất nhiều buổi WorkShop, Tech Talks và những sự kiện miễn phí và Machine Learning luôn rất được quan tâm. Mình không biết là vì sao đặc biệt là ở Việt Nam mọi người thích Data Science, Machine Learning, AI những thứ như vậy học viên thích được học về chúng. Vì thế mà mình đã chọn chúng và cũng bởi vì chúng có nhu cầu cao.
Theo anh điểm mạnh và điểm yếu của Developer Việt Nam mà anh biết liệu có một sự khác biệt nào giữa Developer Việt Nam và những Developer khác trên thế giới?
Mình nghĩ cũng có khác biệt. Mình luôn nhận được câu hỏi này và cũng không muốn trả lời lắm vì như kiểu bị ép phải kết luận một nhóm người trong một đoạn văn ngắn vậy. Tuy nhiên nhìn chung, mình nghĩ đây là nơi khá tuyệt khi có rất nhiều người quan tâm và yêu thích công nghệ. Nơi mà lập trình trông thật ngầu, có cả những kênh như TopDev TV có khán giả đón xem và quan tâm. Vì vậy mình nghĩ điều quan trọng ở đây: bạn có môi trường “màu mỡ”, giàu dinh dưỡng để phát triển. Môi trường này cũng rộng lớn và phát triển rất nhanh trong 5 năm vừa qua. Mình nghĩ, 10 năm trước, IT chưa chắc là nghề cool ngầu, nhưng hiện tại xung quanh IT là những người giỏi nhất, những con người khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp và văn hóa công nghệ.
Về những khác biệt, mình nghĩ tổng quan thì mình phải nhìn nhận nghiêm túc hơn chút, vì tổng thể hệ sinh thái còn khá trẻ. Những ông lớn công nghệ như Google, Oracle hay bất cứ công ty nào ở Silicon Valley từ những thập niên 80. Mọi người nghĩ các công ty đều phát triển “chỉ sau một đêm” nhưng phải mất hàng thập kỷ cho sự xuất hiện của Google hay Facebook. Việt Nam cũng tương tự một chút, và vẫn cần rất nhiều kinh nghiệm vì một khi Việt Nam xây dựng các công ty toàn cầu, sẽ cần nhiều kỹ sư dày dặn kinh nghiệm, xây dựng hệ thống khổng lồ.
Một số trung tâm mở ra cho học sinh cấp một, cấp hai để bắt kịp những công nghệ tiên tiến sớm nhất có thể Vậy theo quan điểm của anh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lên những học sinh này là gì?
Mình không biết điều này có ý nghĩa tiêu cực không. Trau dồi kiến thức công nghệ ở độ tuổi nào cũng rất tốt. Hiểu biết công nghệ sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng cả. Cũng giống như học cách đọc hay học chơi nhạc cụ, đây vẫn sẽ là những kỹ nắng sống hữu ích ngay cả khi bạn không trở thành nghệ sĩ hay nhà văn chuyên nghiệp.
Chúng tôi giảng dạy code ở mọi lứa tuổi. Nhưng đây lại là vấn đề khác, giống như đi hỏi giảng viên đại học rằng “Thầy có muốn dạy cấp hai không?”. Họ có thể dạy, nhưng nên để mọi người làm đúng chuyên môn của mình và hướng tới đúng đối tượng.
Anh nghĩ như thế nào về việc On job training như kiểu các doanh nghiệp có nhân viên giảng tại những buổi workshop ngắn hạn?
Mình nghĩ điều đó rất tuyệt. Nếu càng có nhiều người, giáo dục nó giống như công việc cộng đồng, không phải như chỉ có một người thì học, người kia thì dạy. Mọi người đều có thứ gì đó để chia sẻ. Theo mình điều khá cản trở ở một tổ chức là mọi người quá bận rộn. Như là có ngày, ông sếp đề nghị “Em tổ chức một buổi workshop đi”, mà bạn thì kiểu “Em còn rất nhiều việc phải hoàn thành nữa” nên người ta thường không có đủ thời gian để phát triển, nâng cao kinh nghiệm làm việc, và đó là những gì chúng ta đang gặp phải.
Chúng ta luôn nghĩ đến làm thế nào để giáo dục về công nghệ, bồi đắp chỗ này chỗ kia một chút. Tất cả một chút đó có thể tạo nên sự khác biệt. Đó là lý do vì sao các công ty nên tham gia, và mình nghĩ các công ty sẽ khó có thể tập trung để tổ chức workshop thường xuyên.
Trong khoảng thời gian ở Việt Nam, anh có cảm thấy sự thay đổi nào về mặt tích cực lẫn tiêu cực của những học viên và ứng viên trong thời gian qua?
Mình nghĩ người trẻ chính là tương lai đấy. Khi tới Việt Nam thì mình cảm thấy hơi già chút vì đột nhiên mình luôn lớn tuổi hơn tất cả mọi người. Ở Mỹ mình không cảm nhận được điều này như ở đây đâu. Có lẽ ở đây luôn có xu hướng mới hoặc là mọi người đều can đảm hơn. Người trẻ thì không hề sợ thất bại, họ không lo lắng khi phải nhìn lại quá trình hay đưa ra câu trả lời sai. Điều này thì sẽ dễ dàng giảng dạy và tiếp cận nhiều người hơn. Không chỉ người trẻ, mà những người lớn tuổi cũng có tinh thần giống vậy, chỉ là gần đây mình tiếp xúc người trẻ tuổi nhiều hơn.
Lời khuyên từ chuyên gia
Vì một số lý do những junior và các ứng viên khác lựa chọn chuyên môn dựa theo xu hướng của ngành như kiểu việc càng khó thì càng được “ngon”. Quan điểm của anh thế nào?
Theo mình thì điều đó không thực sự quan trọng, rất nhiều người không theo đuổi công việc được đào tạo như chuyên ngành đại học. Chuyên ngành là một chuyện, bạn luôn luôn có thể học thêm cái khác. Thực ra tại CoderSchool, hầu hết học viên không có bằng cấp về Khoa học Máy tính, mà những chuyên ngành rất khác như Kinh doanh, Nghệ thuật, Pha chế, Nghệ sĩ xăm hình,… chúng tôi có học viên với những background khác nhau và trở thành những lập trình viên xuất sắc. Khi phải chọn chuyên ngành đại học, đó là chuyện quan trọng. Khi còn học ĐH, mình đã từng rất hoảng vì nó. Sau cùng thì mình vẫn gắn bó với chuyên ngành đã chọn nhưng hầu hết thì không. Nó giống như chọn thứ gì để học tập chăm chỉ để tận hưởng khi nhận điểm tốt, đó là điều quan trọng nhất.
Vậy có khó khăn gì không để biết được điểm mạnh của sinh viên để có thể lựa chọn khóa học phù hợp? Anh có lời khuyên nào cho họ không?
Đó là công việc của các trường, còn bạn nên thử sức nhiều nhất có thể. Đối với các sinh viên Đại học, mình có một lời khuyên: Một khi đã ra trường, sẽ rất khó để học cái mới. Hãy tưởng tượng khi bạn đã trưởng thành và muốn học về thiên văn, sinh học, kinh tế, điều đó khó hơn rất nhiều so với hồi đại học. Vậy nên hãy thử nhiều và đa dạng nhất có thể. Vì như vậy, bạn sẽ nhận ra mình không giỏi cái gì, hay không thích gì, kể cả thế thì bạn vẫn học hỏi thêm kinh nghiệm. Ví dụ như bạn nhận ra mình không thích Hóa học – chẳng sao cả, dành thời gian cho cái khác thôi.
Theo anh, mất bao lâu để một học viên chưa biết gì về lập trình trở thành một front-end developer hoặc một mobile developer? Họ phải làm những gì để đạt được mục tiêu đó?
Quỹ thời gian như nhau không tương đồng với mỗi người. 3 tháng cho người này có thể bằng 3 năm cho người khác. Đó là câu chuyện bạn tập trung thế nào, làm việc thế nào và sử dụng thời gian như thế nào. Những khóa học của chúng tôi diễn ra trong 3 tháng, đó là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết. Nếu bạn thật sự chăm chỉ trong 3 tháng, bạn có thể trở thành lập trình viên. Một số người khác có thể cần nhiều thời gian hơn nếu như chưa tập trung cao độ hay có ít kinh nghiệm hơn, nhưng trên cơ bản là khoảng 3 tháng.
Xin cảm ơn sự góp mặt của anh Charles Lee và những chia sẻ thú vị về tiềm năng của IT tại Việt Nam. Qua bài viết này, TopDev hy vọng bạn đọc tìm được nguồn cảm hứng và vững tin với quyết định theo đuổi ngành IT. Hy vọng CoderSchool sẽ phát triển và là nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp.
- Ứ Ứng dụng Map platform trong phát triển sản phẩm
- H Hành vi mua sắm mới trên Meta Social Commerce và LiveStream
- O Offline Mode và Giải Pháp Cho Doanh Nghiệp
- T Tích hợp AI trong an ninh mạng: Mặt lợi và mặt hại
- G Gamification – Ứng Dụng Đa Lĩnh Vực và Xu Hướng Tương Lai
- K Khám phá cách xây dựng một Mobile Product cùng GEEK Up
- H Hành trình chuyển đổi doanh nghiệp tài chính tiêu dùng sang nền tảng di động
- K Khoa Học Dữ Liệu và Hành Vi Thanh Toán Di Động
- T Tính Bền Vững: Yếu Tố Chất Lượng Mới Trong Kiến Trúc Phần Mềm
- T Từ Web2 đến Web3: Xu Hướng Công Nghệ Mới