UX Design là gì? Làm sao để trở thành UX designer?
UX là gì – Gần đây có nhiều post tuyển dụng UX design lạc đề mà mình dám chắc 90% người post lên không hiểu nội dung viết cái gì. Nhưng mà tuyển dụng nên mình kệ vì mấy bạn HR chẳng làm chuyên môn và việc spam các kênh là nghề của các bạn.
Rồi cho đến khi mọc lên một vài trung tâm dạy UX/UI design với giáo trình đào tạo lệch lạc thì mình thấy vấn đề nghiêm trọng hơn. Quảng cáo lúc nào cũng hay ho, dùng nhiều buzzwords là người học ảo tưởng về cái họ nhận được rồi lại đem những thứ đó để chinh chiến thì nhiều thứ tai hại vô cùng.
Thế nên mình quyết định viết cái post giải ngố này để mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn và đánh giá lại mình đang ở đâu và cần bổ sung cái gì.
UX Design là gì?
UX Design (User Experience Design) là quá trình thiết kế sản phẩm nhằm tạo ra trải nghiệm người dùng (user experience) thân thiện và tối ưu. Mục tiêu của UX Design là làm cho người dùng tương tác dễ dàng nhất có thể với sản phẩm của mình.
Điều này liên quan đến việc thiết kế toàn bộ quá trình ứng dụng và tích hợp sản phẩm, bao gồm nhiều khía cạnh của thương hiệu (branding), thiết kế (design), khả năng sử dụng (usability) và chức năng (function).
UX design thường đi đôi với UI design với title UX/UI designer, điều này cũng dễ hiểu vì UX bao gồm cả thiết kế UI (24% như hình minh họa trên)
Tại sao lại chọn UX Designer?
Theo một thống kê không đầy đủ do mình thực hiện về mức lương hiện tại của designer thì mặt bằng lương của UX/UI Designer nói chung cao hơn khoảng 30% so với Graphics Designer.
Thậm chí những mức lương tương đương các nước có GDP gấp vài chục lần Việt Nam cũng có luôn. Sự phát triển của phần mềm và internet giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn phần mềm hơn. Sự cạnh tranh tạo ra sự phát triển.
Vì vậy các phần mềm ngày càng phải hấp dẫn và thân thiện hơn mới thu hút được sự chú ý của người dùng và khiến người dùng móc hầu bao chi tiền. Vì là một ngành đang lên nên sự đầu tư và nhu cầu nhân sự cũng lớn hơn so với các mảng khác của thiết kế như thiết kế nội thất (interior design), thiết kế sản phẩm công nghiệp (industrial product design), thiết kế thời trang (fashion design), thiết kế đồ họa (graphics design)…
Nguyên nhân mình nghĩ do việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì cơ hội lớn nên có không ít bạn làm graphics design cũn muốn chuyển qua làm UX/UI Designer và bắt đầu tập tành thiết kế web, thiết kế app…
Ngoài ra công việc UX Design đòi hỏi sự sáng tạo vừa phải chứ không đau đầu như graphics design. Mình rất khâm phục mấy bạn làm graphics design vì sức sáng tạo vô biên. Chưa kể chuyện còn dễ bị trùng lặp ý tưởng và triển khai ý tưởng nữa.
Tóm lại, nếu chọn UX Designer thì lý do lớn nhất mình nghĩ là nó đang vào xu hướng nên có thu nhập tốt cho những người theo đuổi.
UX Designer là làm cái gì?
>>> Xem thêm: UI UX là gì? Công việc của một UX/UI designer
Ở Việt Nam không có điều kiện làm chuyên sâu nên thường UX designer sẽ đảm nhận luôn UI như mình có đề cập lí do ở trên. Quan trọng là mô tả công việc chúng ta cần làm gì.
- Nghiên cứu người dùng:
- Hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và hành vi của người dùng thông qua các phương pháp nghiên cứu như khảo sát, phỏng vấn, và quan sát.
- Xác định các vấn đề và cơ hội để cải thiện trải nghiệm người dùng.
- Thiết kế giao diện người dùng (UI Design):
- Thiết kế bố cục và các yếu tố giao diện để đảm bảo sản phẩm dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
- Đảm bảo sự nhất quán trong giao diện và trải nghiệm.
- Wireframing và Prototyping:
- Tạo ra các bản vẽ khung (wireframes) để biểu diễn cấu trúc và luồng thông tin của sản phẩm.
- Phát triển các nguyên mẫu (prototypes) để thử nghiệm và cải tiến các ý tưởng thiết kế trước khi triển khai thực tế.
- Kiểm thử và đánh giá:
- Thực hiện các bài kiểm thử sử dụng (usability testing) để thu thập phản hồi từ người dùng.
- Đánh giá và phân tích dữ liệu từ các bài kiểm thử để cải tiến thiết kế.
- Tương tác và điều hướng:
- Thiết kế các yếu tố tương tác như nút bấm, menu, và điều hướng để người dùng có thể dễ dàng sử dụng sản phẩm.
- Đảm bảo các yếu tố tương tác hoạt động mượt mà và trực quan.
Tham khảo thêm việc làm UX Designer tại Topdev mới nhất.
Học hành thành UX Designer
Ở bên trên bạn đã biết UI Designer làm cái gì rồi và cần cái gì rồi. Học thì đi đôi với hành, học bao gồm cả tư duy lẫn kĩ năng sử dụng phần mềm. Dưới đây mình sẽ “bày” một số gợi ý để bạn nhanh chóng lĩnh hội được. Tuy nhiên để hiệu quả, mình khuyên các bạn nên kiếm một người cho bạn những lời khuyên và sửa lỗi sai cho bạn đúng nghĩa (mentorship). Việc này sẽ giúp bạn đi nhanh hơn rất nhiều.
TỪ CON SỐ 0
Giả sử bạn đang là tờ giấy trắng tinh, không biết gì hết. Có hai con đường cho bạn:
Con đường thứ nhất:
Học lấy một cái nghề nuôi sống được bản thân rồi tính tiếp.
Con đường thứ hai:
Học từ những thứ cơ bản: Học lấy cái nghề nuôi sống bản thân thì bạn sẽ học công cụ đầu tiên. Bạn cần sử dụng thành thạo một công cụ tới mức quen tay và đáp ứng một công việc cụ thể.
Thành thạo tới mức đưa một file ảnh ra thì bạn có thể dùng công cụ để tái hiện lại file thiết kế. Bạn xem nhiều Dribbble, Behance rồi bắt chước lại. Thỉnh thoảng bạn cũng đưa ra một vài điều chỉnh nhỏ mà bạn thấy hợp lý.
Tiếp đó thì bạn xin vào các công ty outsource phần mềm hoặc các công ty làm theme với công việc làm UI Designer (có lẽ đa phần các bạn tự học sẽ thấy mình đâu đó trong này). Nếu đã tới đây mà bạn thấy bế tắc trong hướng phát triển tiếp thì nên cân nhắc học lại một số thứ cơ bản.
Học từ những thứ cơ bản thì các bạn nên học quan sát. Quan sát mọi thứ xung quanh, tự đặt câu hỏi tại sao nó lại như vậy, tại sao nó không như thế kia. Kế đó là học vẽ. Vẽ tay hay vẽ máy cũng được. Hãy coi đấy là công cụ để bạn diễn đạt thế giới quan của bạn.
Khi học vẽ bạn sẽ học qua một chút giải phẫu người, một chút phác thảo v.v. những cái này giúp bạn tạo một thói quen là vẽ dựa trên một số cơ sở nhất định. Kế đó bạn mới bắt đầu học thêm các công cụ thiết kế để diễn tả suy nghĩ của mình.
Xem tin tuyển dụng UI UX designer lương cao trên TopDev
Bạn có nhiều ý tưởng tuyệt vời trong đầu và thành thạo công cụ sẽ giúp truyền tải hết ra bên ngoài. Lúc này bạn đã có thói quen quan sát, vẽ có cơ sở, biết công cụ. Tùy hướng phát triển mà bạn có thể học thêm như cách viết sao cho hay:
- Học thêm thiết kế cho các nền tảng khác nhau (web, mobile v.v.);
- Học thêm các kiến thức về usability để thiết kế tối ưu sử dụng của con người hơn.
Tiếp đó thì phải hành thật nhiều. Trong quá trình làm mình gặp nhiều bạn quăng một link project lên facebook với caption “các bác nhận xét giúp em”. Mình thấy các bạn chưa thật sự nghiêm túc muốn học từ lỗi sai.
Hãy mạnh dạn liên hệ những người có kinh nghiệm và trình bày đầy đủ về cái bạn đang làm. Nếu rảnh rỗi và muốn giúp bạn, họ sẽ đưa ra những lời nhận xét xác đáng đúng trọng tâm hơn là những comment trong tình trạng thiếu thông tin và người comment không có động lực rõ ràng.
Mentor cũng phát huy tác dụng lúc này như mình nói ở ban đầu. Kế đó thì bạn có thể học sâu hơn về phần production giải pháp (lập trình kiểm thử) để tìm hiểu các khó khăn trong việc cộng tác với các producer (thường là developer hoặc người làm content) để làm việc hiệu quả hơn hoặc học sâu hơn về một mảng nhỏ.
Lúc này bạn cũng phải bắt tay tự nghiên cứu kha khá nhiều và bắt đầu có suy nghĩ về thiết kế hướng mục tiêu cụ thể thay vì thiết kế chỉ cho đẹp, phục vụ tính thẩm mỹ.
TỪ GRAPHICS DESIGNER
Là graphics designer thì bạn vốn đã quen công cụ thiết kế, vốn đã bay bổng rồi. Nếu bạn chọn con đường nhanh chóng thì chỉ cần làm vài dự án/bài tập hoặc tham gia vài lớp học công cụ/quy trình ngắn hạn là các bạn có thể chuyển đổi sang UI designer. Tuy nhiên cũng như ở phía trên, bạn sẽ sớm bị mắc kẹt vì bạn bị thiếu mất cái gốc cơ bản. Hãy cố gắng dành chút thời gian học từ những thứ cơ bản sẽ tốt hơn
Tham khảo thêm các việc làm Graphic Designer lương cao tại Topdev.
RỦI RO
Ngoài những cái đã đề cập ở trên thì cá nhân mình thấy rào cản lớn nhất là khiếu thẩm mỹ chưa tốt. Cái này muốn nâng cao thì bạn buộc phải học lại từ cơ bản, hiểu những vấn đề cốt lõi nhất và luyện tập thường xuyên. Lúc này mentor sẽ phát huy tác dụng rất nhiều. Họ sẽ cho bạn vài lời khuyên hoặc giúp bạn hiểu được những thứ cơ bản nhất để bạn không bị rối trong ma trận kiến thức.
Học hành thành UX Designer
Nếu các bạn đã đọc mô tả ở phần trên thì các bạn sẽ thấy UX Designer lại không cần tới khả năng đồ họa. Như vậy đi theo con đường này thì bạn không nhất thiết phải có khả năng nhưng công việc liên quan tới giải quyết vấn đề sáng tạo (creative problem solving) nên một chút sáng tạo sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Tương tự ở trên, mình cũng khuyên các bạn cần có một người mentor để cho bạn biết bạn đang ở đâu và cần làm gì tiếp theo. Tương tự như phần UI Designer, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn cách học từ con số 0 và chuyển đổi từ một số công việc phổ biến khác có tính chất gần giống.
TỪ CON SỐ 0
Giả định bạn là tờ giấy trắng, chưa biết gì thì mình khuyên các bạn học cơ bản trước. Viết vẽ wireframe, thậm chí bạn làm được thiết kế đồ họa không giúp bạn trở thành UX Designer giỏi đâu.
Đôi khi nó còn làm hại bạn vì bạn nghĩ vậy là đủ rồi và dừng lại việc học của mình. Học từ cơ bản bạn cũng phải học quan sát, để ý tới mọi thứ xung quanh. Có một bạn là Hieu Toop có comment trên facebook mình như sau: Tony Le Đối với em, UX ở mọi nơi trong cuộc sống, khi mà cái gì làm cho con người ko happy, khó dùng, khó cầm, khó nắm, blabla :)) là UX lởm hết. Hiện tại e nghĩ UX đơn giản lắm, còn để chuyên nghiệp thì phải theo anh xem thế nào mới nói tiếp được. Em hay lao động nhiều thứ ngoài đời nên rất chịu khó quan sát, như sửa điện, thợ hồ, bốc vác :))) trải nghiệm rất nhiều và thấy UX cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Nó mà làm tốt thì cuộc sống này cực kỳ dễ thở, ahehe.
Bạn là người thiết kế trải nghiệm người dùng thì trước tiên bạn phải đứng ở vai trò người dùng đã. Có chú ý quan sát mọi thứ xung quanh thì bạn mới nhạy cảm về các “vấn đề” cần giải quyết được.
Kế đó, bạn tìm cách giải quyết các vấn đề. Bạn trải nghiệm nhiều (nhiều kinh nghiệm, đi đây đi đó, tích lũy vốn sống) sẽ giúp bạn dễ dàng giải quyết vấn đề hơn. Nói chung thứ hai là bạn tích lũy thật nhiều trải nghiệm cho mình.
Kế tiếp bạn mới bắt đầu học các công cụ để giúp phác thảo giải pháp của mình. Bạn nên học vẽ phác thảo đơn giản. Không cần phải cầu kì ngồi vẽ một cô gái khỏa thân đâu, bạn chỉ cần học đủ để thể hiện hết mình gì mình muốn truyền tải thôi. Công cụ quen thuộc nhất với bạn có lẽ là bút chì, giấy, cục gôm (cục tẩy).
Mình hay dùng bảng trắng và bút dạ vì xóa nhanh hơn và diện tích thể hiện đủ lớn cho cả những người khác nhìn thấy. Các công cụ wireframe, prototype giúp bạn thể hiện cách giải quyết vấn đề như vậy Cuối cùng là bạn học các phương pháp để kiểm nghiệm cách giải quyết vấn đề của mình.
Với UX Design thì người kiểm nghiệm giải pháp luôn là người dùng vì thế bạn sẽ học cách test với user để xem giải pháp của mình phù hợp hay chưa. Phạm vi giải quyết của UX Design rất đa dạng nên bạn từ từ chọn tiếp những lĩnh vực gần nhất với công việc chuyên môn mà mình mong muốn.
Bạn có thể học sâu về môi trường thể hiện (desktop, mobile, VR…) vì mỗi môi trường có một đặc điểm khác nhau; hoặc học sâu hơn về một số lĩnh vực ảnh hưởng tới con người nói chung (ergonomics, tâm lý học, cognitive science, tương tác người – máy…); hoặc các lĩnh vực cụ thể (tài chính, y tế, thương mại, dịch vụ v.v.).
Những kiến thức này giúp cho giải pháp của bạn ổn định hơn và tránh được những lỗi có thể tránh được (avoidable mistakes). Vì UX Designer không làm riêng mà phải cộng tác với nhiều người nên bạn nên học thêm về phần production giải pháp (lập trình, sản xuất nội dung) và vận hành giải pháp để giúp cho giải pháp của bạn không chỉ phục vụ tốt người dùng mà còn có tính khả thi và đáp ứng mục tiêu kinh doanh nữa.
Tất nhiên là nếu bạn có khả năng đồ họa thì có thể học thêm UI với lộ trình cơ bản như mình nói ở phần trên. Lúc này đúng nghĩa bạn là UX/UI Designer và bạn hoàn toàn kiểm soát được “how it look của sản phẩm”
TỪ UI DESIGNER
Nếu bạn đã là UI Designer thì khả năng đồ họa của bạn cũng có ít nhiều. Nếu bạn thực sự thấy mình không có khả năng phát triển ở mảng UI Design thì việc chuyển sang UX Design là một lựa chọn.
Tuy nhiên có thể bạn sẽ thấy ở trên cái bạn tận dụng lại được chỉ là khả năng diễn tả ý tưởng thông qua công cụ thiết kế và một số hiểu biết về môi trường thể hiện (web, mobile v.v.) chứ không có một tư duy đầy đủ về việc tạo ra trải nghiệm.
Vì vậy gần như bạn phải bắt đầu lại từ con số 0 Nếu bạn tương đối có khả năng đồ họa và làm UI design tốt rồi (đã nắm vững về usability cho các môi trường thể hiện) và bạn muốn học thêm để phát triển lên UX/UI Designer thì tùy lựa chọn công việc mà bạn ưu tiên học cái gì trước.
Nếu bạn tính làm ở các Agency quảng cáo thì bạn có thể học chuyên sâu về một mảng liên quan tới con người (ví dụ tâm lý học). Kiến thức sẽ giúp bạn thành công hơn ở agency quảng cáo.
Tuy nhiên khi bạn tính làm ở các loại hình công ty khác thì sẽ phải cân nhắc lại. Nếu bạn tính làm ở các agency/công ty thiết kế và xây dựng sản phẩm hoặc các công ty sản phẩm thì bạn phải học lại từ cơ bản.
Các agency/công ty thiết kế và xây dựng sản phẩm sẽ giúp bạn học rộng hơn (biết nhiều mảng, hiểu biết cơ bản) còn các công ty sản phẩm giúp bạn học sâu hơn (hiểu một mảng, hiểu biết chuyên sâu). Trong các công ty sản phẩm thì bạn được tiếp xúc với số liệu thực tế và các phương pháp định lượng nhiều hơn.
TỪ DEVELOPER
Có lẽ developer là người có nhiều lợi thế nhất khi chuyển qua nhưng lại khó thành công nhất. Nguyên nhân một phần vì đãi ngộ của designer nói chung hiện tại thấp hơn developer nên không nhiều developer muốn chuyển qua làm designer.
Thường là những bạn không thấy mình phù hợp với công việc lập trình hoặc những người thích có sự tự do và chủ động hơn mới chuyển qua (chấp nhận việc đãi ngộ thấp hơn). Developer có lợi thế lớn về tư duy giải quyết vấn đề, đặc biệt là tư duy logic. Khả năng tìm tòi tự khám phá của developer cũng cực kì tốt (thích vọc vạch, tìm kiếm thông tin, thử sai v.v.).
Tuy nhiên nói chung các bạn developer không đủ linh hoạt và mềm dẻo để “nhận thấy vấn đề”. Nôm na là kém nhạy cảm hơn các bạn designer. Tất nhiên là nói ra để các bạn tìm cách khắc phục. Có một câu anh Điệp – CEO Vật Giá dạy cả công ty mà mình luôn tâm niệm “đặt mình vào địa vị khách hàng và đối xử trên mong đợi của họ”.
Có thể với các bạn thì chỉ nghe cho vui thôi, nhưng với những bạn developer muốn chuyển qua UX Designer thì phải luôn tâm niệm cái này thì việc chuyển đổi với hoàn thiện được. Các bạn vẫn phải học theo từ cơ bản như mình đã đề cập ở trên, tuy nhiên mình nghĩ vì tố chất khó nhất (giải quyết vấn đề) các bạn đã có nên việc học sẽ nhanh thôi.
Chia sẻ từ anh Lê Anh Quang
Xem thêm việc làm IT lương cao trên TopDev
- 1 15 GitHub Repositories giúp lập trình viên phát triển kỹ năng
- N Non-Functional Requirements là gì và nó quan trọng như thế nào?
- S Sharding trong Citus Data không hề đơn giản như bạn nghĩ
- B BPMN là gì và sự lợi hại của nó
- M Mới ra trường không kinh nghiệm, sao làm BA?
- C Chuyển đổi SA key sang Workload Identity
- U Use Case Diagram và 5 sai lầm thường gặp
- K Kinh nghiệm xử lý câu lệnh điều kiện trong JavaScript
- D Dart là gì? Ứng dụng của ngôn ngữ lập trình Dart
- C Chuẩn Hóa CV, Nhận Ngay Phím Chất