Từ lập trình viên đến nhà đầu tư thiên thần

Nguyễn Thành Nhân từng là kỹ sư ở Google, hiện làm việc tại Walmart (Mỹ) và đã đầu tư trên 10 startup tại Việt Nam và Mỹ.

Đến nay, hai phần ba dự án mà Nhân rót vốn đầu tư đã thất bại. Nhưng với anh, trở thành nhà đầu tư là việc phải tới, khi máu kinh doanh đã ngấm từ thuở bé.

Sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ đều là giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), từ lớp 7 Nhân đã đọc sách kinh tế học. Một năm sau, được bố cho chơi điện tử trên máy tính của trường, nam sinh quyết định chuyển sang lớp chuyên Tin vì “chắc bên đó có nhiều trò chơi điện tử”. Từ đó, Nhân làm quen với máy tính, từng bước trở thành lập trình viên và tìm được chỗ đứng tại vùng đất công nghệ nổi tiếng thế giới: thung lũng Silicon.

Trong thời gian du học tại Đại học Simon Fraser (Canada), Nhân có cơ hội thực tập tại trụ sở chính của Google ở Mỹ. Dù được gã khổ lồ mời ở lại, anh vẫn chọn gia nhập startup Chai Labs và làm việc cho đến khi Facebook mua công ty này. Lý do bỏ việc cũng rất lạ. “Facebook tuyên bố họ nắm 10% thời gian người dùng, tôi nghĩ rằng họ đã lãng phí 10% thời gian của mọi người”. Thế là Nhân trở lại Google năm 2010, làm trong nhóm AdWords.

Trong thời gian xa xứ, Nhân vẫn giữ liên hệ với bạn bè ở Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng startup. Mỗi dịp về thăm quê, anh đều dành thời gian trò chuyện cùng những người đam mê khởi nghiệp. Trong đó có Đỗ Tuấn Anh, nhà sáng lập và CEO Appota – cung cấp nền tảng cho di động.

“Khi nói chuyện với anh ấy, tôi thích quá nên muốn tham gia đầu tư. Trước kia tôi không quan tâm đến môn Sử nhưng anh Tuấn Anh nói phải biết phân tích sự kiện lịch sử và không để cảm xúc ảnh hưởng đến phân tích trong kinh doanh”, anh kể về cái duyên trở thành nhà đầu tư thiên thần 5 năm trước.

Đang có công việc tốt lương cao tại Google, lập trình viên quyết định mạo hiểm để đầu tư, cũng là thỏa mãn đam mê kinh doanh ngấm từ bé. Được một người bạn giới thiệu, Nhân “theo đuổi” CEO TechElite gần 3 tháng trời mới “có chân” trong nhóm đầu tư. “Tôi học được rất nhiều, từ việc chọn sản phẩm thế nào để xây dựng, có nên vào vườn ươm không hay gọi vốn từ nhà đầu tư mạo hiểm ra sao. Kinh nghiệm bán hàng, marketing hay PR cũng tích lũy được kha khá”, anh kể vể trải nghiệm lần đầu bỏ tiền vào một dự án.

Từ khởi đầu ấy, Nhân lần lượt đầu tư vào nhiều startup khác ở Việt Nam và Mỹ. Tiêu chí lựa chọn cũng rất lạ lùng, mục tiêu không phải là số tiền có được mà là “dự án phải giúp tôi học cái gì đó”. Định hướng từ đầu là vậy, nên anh không nản khi cho đến nay, đa phần số dự án đã rót vốn đã thất bại, con số thu về hoàn toàn bằng không.

Vừa mất tiền vừa mất thời gian, tại sao vẫn đi tiếp cuộc chơi mạo hiểm này? “Tôi đầu tư chủ yếu để học nên thất bại cũng dạy cho mình những bài học đắt tiền. Đầu tư mạo hiểm khác ở chỗ cần một công ty thực sự to để có lãi. Còn nếu sợ rủi ro, việc này không dành cho bạn”, anh nói.

tu-lap-trinh-vien-den-nha-dau-tu-thien-than

Lập trình viên kiêm nhà đầu tư Nguyễn Thành Nhân.

2/3 thất bại cũng có nghĩa 1/3 chưa chết. TechElite, dự án thử sức lập trình viên trong vai trò nhà đầu tư sau đó gọi được thêm nhiều nguồn vốn khác nên Nhân không bỏ thêm tiền vào nữa và nắm một số cổ phiếu. “Mối quan hệ giữa hai bên nhà đầu tư và dự án với tôi là lạt mềm buộc chặt. Chúng tôi chia sẻ lợi ích khi thành công bằng việc mua cổ phiếu. Nếu công ty thành công hay lên sàn, M&A thì tôi cũng được một phần nhỏ”, nhà đầu tư 5 năm chia sẻ.

Khi dự án thất bại, nhà sáng lập mở công ty khác, Nhân vẫn hỗ trợ và xem xét đầu tư. Bởi anh cũng hiểu rủi ro khi khởi nghiệp là gì. Theo anh, với startup thì dự án còn tồn tại là mừng và hết lỗ thì càng là cấp số nhân của niềm vui. Môi trường khởi nghiệp sẽ dạy cả người sáng lập và nhà đầu tư những bài học không tên từ nhỏ cho đến lớn. Khi cùng làm, cả hai bên sẽ hiểu nhau và biết có thể song hành trên con đường phía trước hay không.

Cũng chính trải nghiệm này từng thúc đẩy Nhân nghỉ Google và khởi nghiệp ở Mỹ năm 2016. Dự án Fintech của anh nhanh chóng tan vỡ vì chưa có kinh nghiệm về ngân hàng, rút ra một bài học sâu sắc về thời gian, công sức và tiền của. “Khi nói chuyện với nhiều người, tôi nhận thấy có vẻ họ không cần sản phẩm này. Đồng sáng lập chia tay để làm công việc khác. Chúng tôi quyết định dừng lại”, Nhân kể.

Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho hành trình đam mê của nhà lập trình từ thung lũng Silicon. Anh đã nhiều lần chia sẻ về dự định hồi hương trong tương lai gần. Ngày xưa, ước mong ấy từng rất kiêu. Đó là kiếm 10 triệu USD trước 35 tuổi và quay về Việt Nam mở trường tư mô hình Stanford, tính học phí cao và cho học bổng với học sinh giỏi.

Nhân hóm hỉnh nói giờ anh chưa có 10 triệu USD nhưng mới 34 tuổi. Anh đã đầu tư vào trường dạy thuật toán đầu tiên ở Việt Nam là BigOCoding với hy vọng có thể giúp sức đào tạo nhiều kỹ sư giỏi cho ngành công nghệ. Anh cũng bỏ tiền vào dự án dạy tiếng Anh phi lợi nhuận mang tên Elight, với hy vọng Việt Nam trở thành quốc gia nói tiếng Anh để đáp ứng điều kiện cần cho quốc gia khởi nghiệp.

Tư duy thuần khiết về định nghĩa của một lập trình viên không vướng áp lực tiền nong khiến Nhân đón nhận thất bại trong đầu tư rất nhẹ nhàng. “Khó khăn của một nhà đầu tư mới chính là chưa thất bại bao giờ. Thất bại chính là bài học cần thiết cho những nhà đầu tư mạo hiểm”, anh chia sẻ.

Năm năm không có một đồng lời thu về từ hoạt động này, cũng chưa dự án nào có dấu hiệu IPO hay M&A, Nhân vẫn ổn khi đang làm việc tại Walmart. Với anh, lập trình hay đầu tư đều là công việc của hai bên cánh tay. Nếu lập trình là tay phải, tay thuận, thì đầu tư là tay trái. Tay trái không sành bằng tay phải, nhưng vẫn là một cánh tay, thuộc về một phần con người anh.

Khi làm lập trình, Nhân chỉ ngồi một chỗ viết code hay đọc sách. Khi đầu tư, anh phải gặp gỡ nhiều nhà sáng lập và nhà đầu tư. “Khó cân bằng nhất là thời gian”, anh nói nhưng vẫn quyết đi tiếp. Hai công việc có vẻ tương phản lại thể hiện đúng nhất cá tính của chàng trai gốc Hà Nội này: đam mê học hỏi và không ngại mạo hiểm.

Nguồn: vnexpress.vn

Xem ngay những tin đăng tuyển dụng IT mới nhất trên TopDev