Test Report là gì? Hướng dẫn cách viết Test Report chuẩn cho Tester
Trong quá trình triển khai phát triển một dự án phần mềm, kiểm thử là một công đoạn không thể thiếu giúp đảm bảo chất lượng của dự án. Với việc thực hiện rất nhiều test case với rất nhiều kết quả khác nhau thì việc đòi hỏi có một báo cáo kiểm thử thể hiện được toàn bộ kết quả liên quan là điều vô cùng cần thiết. Vậy Test Report là gì? và cách để một Tester có thể viết được một Test Report chuẩn; bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.
Test Report là gì?
Test Report hay báo cáo kiểm thử là một bản tóm tắt chứa các thông tin về mục đích, hoạt động và kết quả của quá trình kiểm thử diễn ra trong dự án. Mục đích của test report là giúp toàn bộ các thành viên trong team phát triển cùng các bộ phận liên quan đến dự án có thể nắm được tình trạng hiện tại và đánh giá được chất lượng sản phẩm phần mềm; từ đó có quyết định xem phần mềm, sản phẩm có thể được nghiệm thu, thực hiện bước triển khai tiếp theo hay chưa.
Test report cũng là một tài liệu để xác nhận về quy trình triển khai kiểm thử đã thực hiện trong dự án; nó đóng vai trò như một Evidence (bằng chứng) xác thực rằng sản phẩm đã được đánh giá bởi team kiểm thử; từ đó xem xét liệu hướng kiểm thử đã đúng và phù hợp chưa, còn thiếu trường hợp nào hay không.
Lợi ích của Test report bao gồm:
- Là cơ sở giúp người quản lý đánh giá lại sản phẩm tại thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện nhanh hay chậm và quyết định xem có đủ điều kiện để đưa ra vận hành
- Chứa thông tin tổng hợp thống kê về số lượng testcase đã thực hiện, số lượng manual test/ automation test thực tế đã triển khai cũng như chi phí cụ thể dành cho kiểm thử
- Giúp team dự án và các bên liên quan nắm được tình hình phát triển của hệ thống; đồng thời là tài liệu hỗ trợ các bộ phận liên quan thực hiện các bước tiếp theo
- Là tài liệu kiểm chứng về hiệu suất hoạt động thực tế của phần mềm, đóng vai trò là bằng chứng khi bàn giao sản phẩm dự án đến cho khách hàng
Thành phần cần có trong Test Report
Test report là một tài liệu ở dạng tóm tắt kết quả, vì vậy đòi hỏi nội dung cần thể hiện đầy đủ và chính xác các thông tin, trình bày số liệu dưới dạng các biểu đồ với thời gian cụ thể, ngoài ra tài liệu còn được thường xuyên cập nhật. Tùy vào tổ chức, dự án mà sẽ có những biểu mẫu (template) cho việc viết Test report khác nhau, nhưng các thành phần chính dưới đây vẫn cần đảm bảo có trong một báo cáo kiểm thử.
1. Thông tin về dự án
Thông tin cơ bản về dự án, tên sản phẩm, cùng mô tả các thông tin liên quan cần thiết khác như thời gian dự án, thời gian kiểm thử, …
2. Mục tiêu của kiểm thử (Test Objectives)
Mô tả mục tiêu hướng tới của lần kiểm thử này và sẽ cần thực hiện những loại test nào. Trong đó mỗi phần báo cáo sẽ chứa thông tin cho từng giai đoạn kiểm thử như kiểm thử hiệu năng (performance test), kiểm thử hệ thống (system test) hay kiểm thử đơn vị (unit test).
3. Tóm tắt kết quả (Overall Summary)
Bao gồm thông tin tổng hợp toàn bộ kết quả các bài test đã thực hiện cùng với thông tin về sản phẩm vận hành trong bài test. Cụ thể phần kết quả cần thể hiện được:
- Số lượng test case đã thực thi, loại test là manual hay automation
- Tỷ lệ test case Pass/ Fail
- Tỷ lệ kiểm thử hoàn thành theo kế hoạch
- Tỷ lệ thất bại của sản phẩm sau kiểm thử
- Các ghi chú, phản hồi được đưa ra từ các bộ phận có liên quan
3. Báo cáo về những thiếu sót (Defect Report)
Đây là phần quan trọng nhất của một Test report, cần nêu lên rõ những vấn đề, thiếu sót, lỗi mà phần mềm hiện tại đang gặp phải hay chính là những công việc cần ưu tiên làm để hoàn thiện sản phẩm ở giai đoạn tiếp theo. Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng đi kèm với những đề xuất và phương án ưu tiên giải quyết cũng sẽ được báo cáo tổng hợp lại trong phần này.
Hướng dẫn cách viết Test Report
Test Report là tài liệu được nhiều phòng ban, đội nhóm sử dụng bao gồm cả quản lý, team phát triển và cả khách hàng, vì vậy việc viết báo cáo kiểm thử cần đảm bảo sự rõ ràng, dễ hiểu; các thông tin được trình bày ngắn gọn nhưng đủ để các bộ phận liên quan dễ dàng nắm được công việc tiếp theo cần làm.
Có nhiều template (mẫu) dùng cho việc viết Test Report; team dự án sẽ lựa chọn một mẫu thống nhất từ trước, có thể theo tổ chức hoặc theo yêu cầu của khách hàng để giúp việc theo dõi trở nên thuận tiện.
Hiện nay có nhiều công cụ tích hợp được sử dụng để lấy số liệu, xuất các báo cáo mẫu dành cho Test Report, thông thường các công cụ quản lý tasks của dự án cũng được trang bị tính năng này. Ví dụ nếu sử dụng Jira làm công cụ quản lý dự án, bạn có thể lựa chọn một số loại báo cáo dưới đây cho mục đích viết Test Report:
- Requirements Coverage Reports: Báo cáo phạm vi bao phủ
- Traceability Report: Báo cáo truy xuất nguồn gốc
- Test Execution Progress Report: Báo cáo tiến độ thực hiện kiểm thử
- Test Progress Reports: Báo cáo tiến độ thực hiện
Khám phá việc làm Tester lương cao trên TopDev
Sử dụng các báo cáo xuất ra từ công cụ với hình ảnh trực quan từ các biểu đồ số liệu sẽ giúp Test Report của bạn trở nên rõ ràng, ngắn gọn và mang tính thuyết phục cao hơn. Ngoài ra có một số kinh nghiệm được chia sẻ khi viết báo cáo mà bạn nên tham khảo như sau:
- Hiểu rõ yêu cầu của dự án và phạm vi kiểm thử trước khi viết báo cáo
- Sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, thuật ngữ kỹ thuật một cách thống nhất và rõ ràng, đảm bảo người đọc có thể hiểu được
- Tổ chức bố cục báo cáo một cách hợp lý, mang đến sự thuận tiện cho người đọc khi cần tìm kiếm thông tin
- Tập trung vào kết quả và đánh giá, không cần trình bày chi tiết các nội dung đã được thể hiện trong test case
- Luôn nhớ kiểm tra lại cẩn thận trước khi gửi; đánh phiên bản đi cùng ngày tháng cụ thể cho báo cáo
Kết bài
Test Report là một tài liệu quan trọng trong dự án và việc viết báo cáo kiểm thử cũng là một kỹ năng quan trọng của mọi Tester. Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi Test Report là gì cũng như tầm quan trọng của nó trong dự án phát triển phần mềm. Hy vọng với những hướng dẫn và kinh nghiệm được chia sẻ trong bài sẽ giúp các bạn Tester mới vào nghề có thể viết được Test Report một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.
Tác giả: Phạm Minh Khoa
Xem thêm:
- Stress testing là gì? Phân biệt stress testing và load testing
- Triển vọng của automation tester trong tương lai
- Automation testing: Một số công cụ hữu ích cho tester
Xem ngay tin đăng tuyển lập trình viên đãi ngộ tốt trên TopDev
- B BenQ RD Series – Dòng Màn Hình Lập Trình 4k+ Đầu Tiên Trên Thế Giới
- F Framework nào tốt nhất cho dự án của bạn? – Checklist chi tiết
- K Kinh nghiệm xử lý responsive table hiệu quả
- S Stackoverflow là gì? Bí kíp tận dụng Stack Overflow hiệu quả
- 7 7 kinh nghiệm hữu ích khi làm việc với GIT trong dự án
- B Bài tập Python từ cơ bản đến nâng cao (có lời giải)
- B Bảo mật API là gì? Một số nguyên tắc và kỹ thuật cần biết
- H Hướng dẫn cài đặt và tự học lập trình Python cơ bản từ A-Z
- C Chinh Phục Phân Tích Dữ Liệu Với Pandas Trong Python: Hướng Dẫn Từng Bước
- D Display CSS là gì? Cách khai báo và sử dụng thuộc tính display trong CSS