Tản mạn về hai mô hình phát triển phần mềm là Waterfall và Agile
Bài viết được sự cho phép của tác giả Tống Xuân Hoài
Vấn đề
Hồi còn đi học, trong môn “Phân tích thiết kế hệ thống thông tin” mà tôi được học có nhắc đến quy trình phát triển phần mềm theo mô hình thác nước (Waterfall). Tên gọi của nó khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một thác nước đang đổ ào ào từ trên xuống dưới rất mạnh mẽ, và dĩ nhiên dòng nước thì chỉ đổ được theo một chiều, hàm ý rằng đây là một quy trình tuần tự và khó có thể quay lui lại bước trước đó.
Nhưng sự thật là khi đi làm, tôi chưa thấy có một công ty nào áp dụng mô hình này để phát triển phần mềm cả. Hoặc là không có, hoặc là một cái tên khác: Agile.
Agile – Scrum là một cái tên mà tôi tin chắc rằng nhiều người biết hoặc đang áp dụng tại nơi làm việc. Một chu trình (sprints) chỉ mất khoảng 2 tuần để phát triển và hoàn thành một số tính năng để tung ra thị trường, đến với người sử dụng. Tư tưởng của Agile là làm sao đưa tính năng ra nhanh nhất cho khách hàng, từ đó khiến họ hài lòng và trả tiền để sử dụng sản phẩm.
Còn gì tuyệt vời hơn Agile, chúng ta quay vòng liên tục trong danh sách tính năng mới, “code” rồi “release”… thi thoảng là một chu trình sửa lỗi, cải thiện tính năng. Cuối mỗi sprint, chúng ta sẽ có một buổi “retrospective” để nhìn lại những gì đã và đang làm tốt hoặc chưa tốt, từ đó rút kinh nghiệm cho lần sau.
Thú thật, đối với một sinh viên mới ra trường lúc đó, Agile như là một phương pháp mà tôi cảm thấy tuyệt vời nhất. Người ta thường nói, con người thường sẽ có cảm xúc mãnh liệt với thứ đầu tiên họ tiếp xúc. Nghĩa là ngay từ đầu được tiếp xúc với Agile, cho dù sau đó được tiếp xúc với mô hình gì đi nữa, Agile vẫn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng.
Đã có thời gian tôi đề cao Agile, sẵn sàng vùi dập các phương pháp khác như Waterfall trong các cuộc tranh luận. Rằng Waterfall là đã quá lạc hậu, không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển phần mềm mạnh mẽ ngày nay.
Nhưng chỉ mới gần đây thôi, có lẽ tôi đã tích đủ cho mình “chứng cứ” để chỉ ra một sự thật: “Agile không phải là nhất” nếu như không muốn nói là nó quá tệ trong hầu hết trường hợp.
Vậy, tại sao?
Waterfall và Agile
Đầu tiên hãy nhắc lại một chút về khái niệm mô hình Waterfall.
Waterfall là một mô hình của quy trình phát triển phần mềm, trong đó quy trình phát triển trông giống như một dòng chảy, với các pha được thực hiện theo trật tự nghiêm ngặt và không có sự quay lui hay nhảy vượt pha là: phân tích yêu cầu, thiết kế, triển khai thực hiện, kiểm thử, liên kết và bảo trì.
Trong hầu hết thời gian đi làm, phân tích yêu cầu luôn là giai đoạn mà tôi thấy là tốn nhiều thời gian nhất. Vì đó là nơi mà cần phải quyết định xem cần phải làm gì, chiến lược kết hợp với tầm nhìn, kế hoạch và cả những con số thống kê để đi đến tính năng cần phải làm…
Vì vậy, nó phải được thực hiện rất tỉ mỉ và thận trọng trước khi chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo, bởi vì một khi đả chuyển thì khó có thể quay lại được. Khi đó bộ phận khác đã tiếp nhận yêu cầu và bắt đầu thiết kế hệ thống, giao diện ứng dụng/phần mềm… Vậy điều gì xảy ra nếu như ngay từ bước đầu tiên đã xuất hiện vấn đề bất thường?
Nếu sai sót là nhỏ, trong tầm kiểm soát, chỉ cần sửa lại câu từ hoặc bổ sung thêm một vài trường hợp không gây ảnh hưởng đến chức năng chính, mọi thứ có thể du di chấp nhận được. Ngược lại, giả sử bộ phận Design tiếp nhận yêu cầu và họ tìm ra một cơ số lỗ hổng nếu không khắc phục thì không thể tiếp tục được. Chu trình thác nước lúc này có thể bị đổ vỡ. Chúng ta không thể cứ mãi một vòng lặp phản hồi từ Requirements đến Design được, vì như thế các bước sau đó sẽ mãi mãi không bao giờ được tiếp tục.
Tôi tin rằng có thể có rất nhiều sai lầm giống như trên đã xảy ra trong quá khứ, cho nên đã đến lúc đội phát triển cần một phương pháp mới: Agile ra đời.
Phát triển phần mềm linh hoạt (Agile) là một phương thức thực hiện các dự án công nghệ phần mềm, phương thức này khuyến khích sự thay đổi khi phát triển dự án và đưa sản phẩm đến tay người dùng sao cho nhanh nhất.
Chúng ta không còn thác nước, không còn từng bước như thác đổ và không sợ bị quay lui nữa. Tất cả giờ đây tập trung vào “đưa sản phẩm đến tay người dùng nhanh nhất”.
Chà, nếu thế thì hơi chung chung. Làm thế nào để đưa sản phẩm đến tay người dùng nhanh nhất?
Xem thêm tuyển agile lương cao hấp dẫn trên TopDev
Scrum là một khung cộng tác nhóm linh hoạt thường được áp dụng trong Agile. Theo scrum, chúng ta sẽ có một vòng lặp có hạn thời gian để liên tục phát triển phần mềm, ví dụ là 2 tuần cho đến một tháng. Trong mỗi vòng lặp, phải có tính năng được hoàn thành và đưa đến tay người dùng, và khá nhiều quy tắc nữa nhưng tôi sẽ không nói thêm trong phạm vi bài viết này.
Tôi tin rằng Agile rất phổ biến, khi hỏi 10 người bạn làm trong cùng lĩnh vực, 9 người đều biết Agile, và công ty họ làm đều đang áp dụng phương pháp này, chỉ 1 người còn lại thì bảo “I’m free” – nghĩa là không theo một mô hình nào cả.
Ngày nay sự cạnh tranh trong các sản phẩm công nghệ là rất lớn. Chúng ta không thể chắc chắn ý tưởng của mình là duy nhất vì chỉ cần lơ là một chút, hàng tá sản phẩm có ý tưởng tương tự sẽ xuất hiện ngay sau đó mặc dù chưa từng khoe nó ở bất kỳ đâu.
Như vậy, chúng ta cần Agile để đẩy sản phẩm ra nhanh nhất cho người dùng, từ đó chiếm được thị trường và bước tiếp theo thì chỉ cần ung dung thêm tính năng mới.
Điều đó liệu có đúng? Nếu bạn đã từng ứng dụng Agile và nhận thấy mội vài hạn chế của nó mà chưa tiện nói ra ở đâu, thì hãy tạm dừng lại một chút để nghĩ về những bất cập đó và tiếp theo là… xem những điều đó có giống như tôi?
Dưới đây là những “bằng chứng” đã nhắc đến ở đầu bài để củng cố cho quan điểm “Agile không phải là nhất” trong suốt hơn 5 năm làm việc mà tôi đúc kết được.
- Sự mập mờ và thiếu thông tin: Trong các chu trình mang tính liên tục và ngắn ngày, đòi hỏi mọi thứ phải nhanh. Từ khâu lên tài liệu cho đến các buổi “làm mịn” (Grooming) để phổ biến đến mọi người phát triển, thậm chí bạn còn không có thời gian để kịp nhìn thấy tài liệu của tính năng chuẩn bị làm.
- Quá nhanh và không kịp suy nghĩ: Bạn không thể hình dung hết được những gì sắp làm có gây ảnh hưởng đến những gì đang có, chỉ khi bắt tay vào làm, nhiều vấn đề mới bắt đầu phát sinh.
- Dễ khiến kiệt sức, chán nản: Liên tục xoay vòng trong các tính năng, đôi khi còn phải tiếp nhận yêu cầu hoàn toàn mới khiến cho chu trình hiện tại chậm trễ, hay thậm chí là bị sụp đổ. Vô định trong sự phát triển của sản phẩm nhiều khi khiến chúng ta nghi ngờ về chính sản phẩm mà chúng ta đang tạo ra.
- ET và OT: Ngay khi nhận được danh sách tính năng, điều tiếp theo là các buổi lên kế hoạch chi tiết, phân chia nhiệm vụ và “estimate” thời gian hoàn thành. Đây không phải là một công việc dễ dàng gì, nó mất rất nhiều thời gian để “dự đoán” cho những điều còn chưa chắc chắn. Và nếu sắp đến ngày bàn giao còn chưa làm xong, làm thêm giờ sẽ là phương án cứu cánh cuối cùng để cho cả tuần làm việc không ngừng nghỉ.
- Rơi vào cạm bẫy xây dựng: Đã bao giờ bạn tự hỏi danh sách tính năng lấy từ đâu ra chưa? Từ cấp trên, từ khách hàng, hay là từ bộ phận có nhiệm vụ “nghiên cứu sản phẩm”!?… Một sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng khi nó giải quyết được vấn đề cho họ. Vì vậy, tính năng làm ra phải bám sát vào nhu cầu của khách hàng. Chúng ta cần phải tiếp xúc với khách hàng nhiều hơn để thấu hiểu được điều họ muốn, điều này thường mất nhiều thời gian và công sức. Vậy nên có một cách khác để nhanh hơn là tự thấu hiểu cho nỗi đau của người dùng, liên tục tung ra tính năng và kiểm tra xem mức độ sử dụng, nếu người dùng nhiều tức là thành công, và ngược lại.
- Không hiểu sản phẩm: Hầu hết khi bắt đầu vào làm ở môi trường mới, tôi sẽ có một vài tuần để làm quen với những thứ mới, về văn hóa, về môi trường, về sản phẩm và cả những dòng code… nhưng rất ít khi được trình bày một bức tranh tổng quát về sản phẩm sắp sửa được tham gia. Phần lớn vì thời gian làm quen là có hạn, sau đó sẽ bị cuốn vào chu trình phát triển phần mềm không hồi kết.
Đến lúc này thì mới thấy Waterfall lại khắc phục được hầu hết nhược điểm trên.
Tất cả yêu cầu đã được làm rõ ngay từ bước đầu tiên, chúng ta có đầy đủ tài liệu để làm và không sợ bị thay đổi, vấn đề lúc này chỉ là bản kế hoạch về thời gian hoàn thành tất cả tính năng.
Khảo sát và đánh giá, tất cả đều nằm trong bước đầu tiên. Khảo sát giúp cho chúng ta tránh khỏi cạm bẫy xây dựng và có đủ cơ sở để tin rằng một khi tính năng được ra mắt, nó sẽ đem lại sự hài lòng cho rất nhiều người.
Khi tất cả yêu cầu được giao xuống, tất cả bộ phận đều nắm rõ thông tin sản phẩm, từ đó tạo ra động lực về một tương lai về sản phẩm sắp được làm ra và nó mang lại giá trị gì cho người dùng.
Tuy vậy, ưu điểm của Waterfall cũng là nhược điểm chí mạng khi nó không thể linh hoạt trong các khâu phát triển phần mềm. Hầu hết các công ty mà tôi từng tham gia phát triển đều đang trong quá trình Start-up, họ có chiến lược tạm thời và kế hoạch tung sản phẩm rất nhanh chóng để kịp cho việc chiếm lĩnh thị trường.
Nói đến đây không phải là để chỉ trích phương pháp nào cả, mà một khi đã nhìn ra những bất cập, chúng ta cần phải tìm ra cách để khắc chế lại nó.
Agile khuyến khích mọi người tương tác với nhau nhiều hơn để đẩy nhanh quá trình phát triển. Đừng quá quở trách đội nghiên cứu sản phẩm vì những yêu cầu chưa rõ ràng, tài liệu chậm trễ từ phía họ, vì đôi khi mọi người cũng đang quay cuồng trong danh sách tính năng cần được ưu tiên cho sự sống còn của sản phẩm. Thay vào đó chúng ta có thể chủ động hỏi những câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề, suy nghĩ hay đưa ra các trường hợp mà đội sản phẩm không lường được hết. Hãy nhớ một khi đã chọn Agile, chắc chắn việc làm thế nào để tung sản phẩm ra nhanh nhất cho người dùng mới là điều quan trọng.
Để tránh khỏi cạm bẫy xây dựng, hãy đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sản phẩm trong giai đoạn Grooming hoặc Planing. Yêu cầu những con số biết nói và nếu có thể hãy đặt cả câu hỏi tại sao cần làm những tính năng sắp tới. Qua đó giúp cho mọi người có cái nhìn xa hơn về giá trị mà sản phẩm mang lại cho người dùng.
Cuối cùng là, luôn sẵn sàng tâm thế cho việc thay đổi liên tục.
Tổng kết
Tóm lại, bài viết này chỉ là sự nhìn nhận mang tính cá nhân về ưu và nhược điểm của 2 phương pháp phát triển phần mềm Waterfall và Agile. Trong khi Waterfall yêu cầu một nền tảng vững chắc thì Agile lại phù hợp với những thay đổi linh hoạt. Chúng phù hợp trong những môi trường làm việc khác nhau và qua bài viết này hy vọng bạn đọc không mắc phải những sai lầm như tôi khi đã quá đề cao một trong hai phương pháp từ đầu.
Bài viết gốc được đăng tải tại 2coffee.dev
Có thể bạn quan tâm:
- Đ Đại dương xanh cho Doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trên Zalo
- L Lakehouse Architecture: Nền tảng dữ liệu cho ứng dụng AI trong tương lai
- G Giải Quyết Bài Toán Kinh Doanh Bằng Big Data và AI
- B BenQ RD Series – Dòng Màn Hình Lập Trình 4k+ Đầu Tiên Trên Thế Giới
- F Framework nào tốt nhất cho dự án của bạn? – Checklist chi tiết
- K Kinh nghiệm xử lý responsive table hiệu quả
- S Stackoverflow là gì? Bí kíp tận dụng Stack Overflow hiệu quả
- 7 7 kinh nghiệm hữu ích khi làm việc với GIT trong dự án
- B Bài tập Python từ cơ bản đến nâng cao (có lời giải)
- B Bảo mật API là gì? Một số nguyên tắc và kỹ thuật cần biết