Làm thế nào để trở thành một lập trình viên thực thụ?

Bài viết được sự cho phép của smartjob.vn

Xin chào các bạn! Hôm nay Smartjob sẽ chia sẻ cho các bạn một chủ đề hết sức thú vị và đang được rất nhiều người quan tâm: Lập trình viên là ai, họ đang làm những gì và cần có những phẩm chất nào để trở thành một lập trình viên.

Như các bạn đã biết hiện nay ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang có những bước đột phá vượt bậc. Các sản phẩm của ngành này có thể kể đến như các trang web, phần mềm, những ứng dụng trên nền tảng di động và cả những chương trình game mới nhất. Để có đủ khả năng làm ra được một trong số những sản phẩm đó, bạn phải được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết không chỉ về lập trình mà cần sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố khác.

  10 câu nói cực hay về lập trình
  10 lý do cho thấy tại sao bạn nên theo học ngôn ngữ lập trình Java

Công việc của lập trình viên (Developer hay Dev)

Nói về lập trình viên, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến việc lập trình web, lập trình game, lập trình phần mềm,… Đơn giản họ là những người dùng những đoạn code (những câu lệnh, đoạn mã, …) để tạo ra một chương trình hoàn chỉnh. Với một dự án (web, game, phần mềm) sẽ có một nhóm người lập trình tham gia và một leader (trưởng nhóm) có nhiệm vụ phân công công việc cho từng người đồng thời giám sát quá trình thực hiện dự án đó. Sau khi thực hiện xong các phần công việc, có một người gọi là Tester chịu trách nhiệm chạy thử chương trình và “bới móc” ra các lỗi của người lập trình. Không chỉ có vậy, những kẻ tham gia công đoạn bắt lỗi của lập trình viên cũng nhiều vô số: Leader, quản trị web, người dùng sản phẩm, SEOer, thậm chí cả các đồng nghiệp. Nếu ngon nghẻ thì không sao chứ không tìm ra lỗi gì, không sửa được thì mọi thứ còn căng hơn dây đàn.

Đó là toàn bộ những gì cơ bản nhất mà người lập trình phải làm, phải đối mặt trong suốt một dự án. Ngoài ra có một điểm cần lưu ý là mỗi dự án đều có tính chất khác nhau, sử dụng những đoạn code khác nhau và có những ưu tiên khác nhau. Và còn vô vàn những vấn đề khác mà lập trình viên sẽ được trải nghiệm trong suốt những năm tháng làm việc của mình.

Lập trình viên cần gì?

Có thể thấy nghề lập trình là nghề cần lượng chất xám rất lớn. Không những thế, những yêu cầu cho một lập trình viên thực sự khắt khe hơn rất nhiều bạn có thẻ tưởng tượng. Dưới đây là những phẩm chất, kỹ năng bạn nên rèn luyện nếu muốn gắn bó lâu dài và thành công với nghề này:

  • Tư duy logic: Như đã nói, mỗi lập trình viên sẽ đảm nhận một phần công việc trong dự án. Vậy cần tư duy nhiều đến thế để làm gì? Bạn cần nghĩ xem người dùng sản phẩm cần gì, làm thế nào để chương trình đó trở nên tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, cần cái đầu thật thông thoáng để nhận biết việc mình làm có gây ảnh hưởng đến phần việc của người khác không và nó có đi ngược lại với những gì Leader đề ra không. Đây là lý do vì sao 2 môn toán – tin luôn được đi kèm với nhau. Càng logic bao nhiêu bạn càng thành công bấy nhiêu.
  • Tiếp cận vấn đề: Đây cũng là một phần của tư duy logic. Trong cuộc đời mỗi lập trình viên sẽ trải qua rất nhiều dự án, với mỗi dự án mới bạn cần phải có cách tiếp cận thật hợp lý để nắm bắt được công việc chung cũng như phần việc của mình. Tiếp cận vấn đề là kỹ năng cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn làm ra một chương trình thực sự bá đạo.
  • Làm việc nhóm và làm việc độc lập: Không có gì mẫu thuẫn ở đây cả. Làm việc nhóm khi bạn cần trao đổi, đối chiếu công việc lẫn nhau. Còn làm việc độc lập cần khi bạn tập trung vào phần việc của mình. Sẽ có những lúc bạn ngồi 1 mình trong thời gian rất dài, chẳng muốn đứng dậy bởi công việc còn rất bộn bề. Đó là lý do tại sao mỳ gói, bò húc, café là những người bạn thân thiết của nhiều lập trình viên.
  • Tự học và kiên trì: Học qua mạng, học qua Leader, học từ đồng nghiệp,… Một lập trình viên chắc chắn không bao giờ tận dụng được hết những gì đã học nhưng hãy cố gắng dùng chúng một cách tối đa. Không chỉ có thế, kiên trì là điều luôn luôn cần. Kiên trì học tập, kiên trì thực hành và fix lỗi, kiên trì làm việc,… Có rất nhiều chữ kiên trì mà bạn cần biết được và làm được.
  • Kỹ năng thiết kế: Trong thực tế, đôi lúc lập trình viên sẽ được giao thiết kế cho trang web hay phần mềm của mình khi công ty chưa có người thiết kế. Các chương trình của bạn phải dễ dùng, có tính ứng dụng cao và thu hút được người xem, người dùng. Nắm bắt được xu hướng trên thị trường, thói quen của khách hàng là điều vô cùng cần thiết. Càng nghiên cứu kỹ bao nhiêu sản phẩm của bạn càng thành công bấy nhiêu.

>>>Xem ngay: Tìm việc làm cho các lập trình viên

Mục đích của một lập trình viên

Tại Việt Nam, để kiếm được một công việc ưng ý về lập trình không phải dễ dù có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là một công việc ưng ý. Bạn có thể biết nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nhưng bạn cần một môi trường tốt nhằm thực hiện mục đích của mình.

Những người thích kiếm tiền cần doanh nghiệp chi trả xứng đáng sau mỗi dự án, mỗi năm làm việc. Họ có xu hướng làm việc bất chấp thời gian để có được càng nhiều tiền càng tốt. Cũng có những người muốn gắn bó với nghề lập trình nhưng vẫn được thoải mãi về thời gian, không phải chạy dự án, không phải đau đầu fix lỗi (những người này không có gánh nặng về kinh tế). Trên thực tế, dự án về lập trình luôn yêu cầu deadline rất gấp nên dù mục đích của bạn là gì, bạn cũng dễ bị cuốn theo guồng quay của công việc. Dự án này tiếp nối dự án khác, chồng chất lên nhau khiến bạn chẳng có thời gian để nghỉ.

Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi theo đuổi nghề này. Bạn có thể làm việc trong các công ty của Nhật, Hàn,… hay những doanh nghiệp trong nước. Dù ở bất cứ đâu thì đam mê là cái không thể thiếu. Nó sẽ giúp bạn vượt qua những quãng thời gian khó khăn nhất và thực hiện được ước mơ của mình. Lập trình là một nghề vất vả nhưng nó không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà. Muốn đất nước đi lên thì đừng ngần ngại cống hiến. Cuối cùng, mình muốn những bạn đã trở thành lập trình viên, đã thành công trong sự nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Đó là liều thuốc tốt nhất giúp các em kiên định với sự lựa chọn của mình.

Bài viết gốc được đăng tải tại smartjob.vn

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Jobs Developer hấp dẫn trên TopDev