Kỹ Sư Cầu Nối (BrSE) Là Gì? BrSE Cần Học Những Gì?
Kỹ sư cầu nối là gì? BrSE là gì? Ngày càng nhiều tin tuyển dụng BrSE, Kỹ sư cầu nối xuất hiện. Liệu rằng đây là vị trí liên quan đến “cầu, đường”? Con đường sự nghiệp của Kỹ sư cầu nối như thế nào? Cùng mình giải đáp những câu hỏi này bằng thông tin bên dưới.
Kỹ sư cầu nối (BrSE) là gì?
Kỹ sư cầu nối hay BrSE (Bridge Software Engineer) là người có trách nhiệm kết nối công ty với khách hàng. Họ giúp team thực hiện dự án hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu của khách hàng, đồng thời giúp khách hàng hiểu về quá trình phát triển sản phẩm của team. Từ đó, đảm bảo việc hai bên hiểu nhau, tiến triển của dự án diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả.
Để làm được điều này, kỹ sư cầu nối phải luôn theo sát tiến độ dự án, từ giai đoạn nhận yêu cầu đến khi bàn giao sản phẩm.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là nơi phát triển kinh doanh với nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng Kỹ sư cầu nối tiếng Nhật lại ngày càng “nóng”. Theo đó, chức danh Kỹ sư cầu nối hay BrSE được sử dụng phổ biến cho thị trường Nhật Bản và có lẽ cũng được tạo ra từ đây.
Với thị trường Âu-Mỹ, BrSE sẽ được thay thế bằng DM – Delivery Manager. Đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc “Có phải kỹ sư cầu nối chỉ làm cho các công ty Nhật?”. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cầu nối tiếng Nhật tại Việt Nam cao. Song song với đó vẫn có kỹ sư cầu nối sử dụng ngôn ngữ khác nhưng với số lượng ít.
Công việc của Kỹ sư cầu nối là gì?
Công việc mỗi ngày của một kỹ sư cầu nối còn tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, ta có thể tóm gọn bằng những đầu việc dưới đây:
- Quản lý và xử lý email, trao đổi với khách hàng.
- Lên kế hoạch công việc cho từng ngày và theo đó thực hiện.
- Đại diện khách hàng trả lời Q&A cho team.
- Báo cáo công việc, quy trình, tiến triển của dự án cho khách hàng.
Có thể thấy, nhiệm vụ của BrSE là sự luân phiên cập nhật tình hình cho team nội bộ và khách hàng để đảm bảo sự thống nhất giữa hai bên.
Mặt khác, công việc của BrSE còn thay đổi theo từng giai đoạn của dự án. Cụ thể:
- Bắt đầu dự án: nghiên cứu kỹ thuật, lập kế hoạch và sẵn sàng triển khai.
- Trong quá trình thực hiện dự án: giám sát và quản lí dự án. Có thể linh hoạt thay đổi chiến lược và phương pháp để nâng cao năng suất và chất lượng dự án.
- Cuối dự án: xem xét và kiểm tra sản phẩm trước khi bàn giao cho khách hàng.
Kỹ năng cần có của một BrSE
Ngoại ngữ
Để hiểu chính xác thông tin được truyền tải cũng như giao tiếp trôi chảy, Kỹ sư cầu nối tiếng Nhật ít nhất cần chứng chỉ N2. Ngoài ra, tiếng Anh sẽ giúp bạn tự học từ các nguồn tài liệu trên mạng, song song đó bạn có thể tiếp cận được khách hàng và thị trường nước ngoài.
Nếu bạn hỏi “Không giỏi ngoại ngữ có làm BrSE được không?” Câu trả lời là không – khá phũ nhỉ! Tuy nhiên, đây là thực tế. Bạn là “cầu nối” mà bạn không hiểu khách hàng nói gì hoặc hiểu sai thì hậu quả sẽ như thế nào? Đặc biệt đối với thị trường Nhật, CV của bạn nên bao gồm chứng chỉ N2 trở lên hoặc bạn sẽ bị loại.
Chuyên môn (lập trình)
Nếu vị trí bạn làm chỉ thiên về phiên dịch thì bạn chưa cần học code. Tuy nhiên, để có thể bao show cả dự án từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc với nhiều vấn đề kỹ thuật khó nhằn, bạn cần hiểu code và biết code. Ngoài ra, nhiều công ty cũng đòi hỏi ứng viên biết code cho vị trí Kỹ sư cầu nối.
Khả năng giao tiếp hiệu quả
Có thể nói đây là một kỹ năng không thể thiếu. Bạn là người đảm bảo truyền đạt thông tin một cách chính xác, cũng như giải quyết các xung đột trong dự án. Việc trau dồi tốt kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ giúp bạn làm tròn vai trò kết nối của mình.
Khả năng tự học
Không riêng BrSE mà hầu như tất cả các nghề đều cần tinh thần tự học cao. Có vậy thì bạn mới có thể theo nghề, liên tục phát triển và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của bạn được.
Riêng về Kỹ sư cầu nối, mỗi dự án sẽ dùng một công nghệ, ngôn ngữ khác nhau. Nên việc tự học là vô cùng quan trọng. Bạn có thể học qua Google, học qua tài liệu, học từ những người đi trước, học từ cộng đồng chuyên môn.
Những tố chất và kỹ năng mềm khác
Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề phối hợp với sự điềm tĩnh, trách nhiệm cao, cốt yếu lại vẫn giúp bạn giải quyết thỏa đáng những vấn đề phát sinh. Vừa bảo vệ “team nhà” và bảo vệ khách hàng.
Có nên đi theo con đường Kỹ sư cầu nối?
Có thể thấy yêu cầu từ một Kỹ sư cầu nối là khá cao với nhiều kỹ năng quan trọng. Ngoài ra, để có thể làm việc độc lập với mức lương đáng mơ ước thì bạn cần ít nhất 2 năm để học hỏi và rèn luyện. Phải thật kiên nhẫn thì bạn mới có thể thành công trên con đường trở thành Kỹ sư cầu nối.
Mặt khác, nhiều cơ hội sẽ đến với bạn khi theo nghề
- Thu nhập cao, với những BrSE từ 2 năm kinh nghiệm. Điều này là hiển nhiên vì bạn vừa phải biết code vừa phải giỏi ngoại ngữ cơ mà.
- Cơ hội định cư tại nước ngoài.
- Được làm việc trực tiếp với nhiều khách hàng khác nhau từ đó mở rộng mối quan hệ và học hỏi tư duy kinh doanh từ họ.
Từ những khó khăn, cơ hội, yêu cầu trên. Bạn hãy xác định xem bản thân có thích, có cảm thấy thú vị không. Khi đã có mục tiêu rồi thì bắt tay vào rèn luyện thôi!
BrSE cần học những gì?
Đơn giản thôi! À không hẳn đơn giản =)). Hai yếu tố quan trọng của một BrSE là ngoại ngữ và kỹ thuật (code). Bạn cứ theo đó mà học tập và rèn luyện.
Trường hợp bạn đang và đã biết code rồi. Bạn là dân kỹ thuật và muốn trở thành BrSE, hãy học ngoại ngữ. Tiếng Nhật của bạn nên ở mức độ giao tiếp trôi chảy hoặc chứng chỉ đo đếm tối thiểu là N2.
Trường hợp bạn là dân ngoại ngữ muốn đánh hướng sang BrSE, hãy bắt đầu học code khoảng 1 năm (“khoảng” thôi, sớm hay muộn hơn là do khả năng của bạn). Song song với đó bạn nên bắt đầu với công việc của BA (Business Analyst) hoặc tester, để ứng dụng kiến thức kỹ thuật cũng như làm quen với quy trình sản xuất phần mềm.
Đến đây thì chắc bạn cũng hình đung được Kỹ sư cầu nối là gì rồi, cũng như những được mất nếu theo ngành. Nếu bạn muốn hiểu hơn về nhu cầu thị trường hiện tại cho vị trí này như thế nào? Những yêu cầu và nhiệm vụ của một BrSE ở từng công ty sao? Mời bạn tham khảo tin tuyển dụng BrSE trên TopDev nhé!
Xem thêm:
- G Giải Quyết Bài Toán Kinh Doanh Bằng Big Data và AI
- B BenQ RD Series – Dòng Màn Hình Lập Trình 4k+ Đầu Tiên Trên Thế Giới
- F Framework nào tốt nhất cho dự án của bạn? – Checklist chi tiết
- K Kinh nghiệm xử lý responsive table hiệu quả
- S Stackoverflow là gì? Bí kíp tận dụng Stack Overflow hiệu quả
- 7 7 kinh nghiệm hữu ích khi làm việc với GIT trong dự án
- B Bài tập Python từ cơ bản đến nâng cao (có lời giải)
- B Bảo mật API là gì? Một số nguyên tắc và kỹ thuật cần biết
- H Hướng dẫn cài đặt và tự học lập trình Python cơ bản từ A-Z
- C Chinh Phục Phân Tích Dữ Liệu Với Pandas Trong Python: Hướng Dẫn Từng Bước