4 ngộ nhận về công việc kiểm thử phần mềm – Trở thành Tester hay Developer?

Bài viết được sự cho phép của vntesters.com

Vũ Phạm – Delivery Director tại KMS Technology Vietnam

Nếu đặt câu hỏi này cho sinh viên sắp và mới tốt nghiệp ra trường cách đây 5-10 năm có lẽ sẽ nhận không ít những ánh mắt ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi kiểm thử phần mềm là chủ đề được đề cập thoáng qua theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trong môn “Công nghệ phần mềm”. Điều này phần nào phản ánh đúng thực trạng là công việc kiểm thử phần mềm tại thời điểm đó chưa nhiều và chưa có những đòi hỏi chuyên sâu và thử thách thật sự. Đó là lý do tại sao kiểm thử phần mềm là chọn lựa đứng sau công việc lập trình, phân tích yêu cầu v.v Cùng với sự phát triển của ngành CNTT và nhu cầu nhân lực, kiểm thử phần mềm dần đã trở thành môn học chính thức trong một số trường ĐH. Tuy nhiên với thời lượng 4 tín chỉ cũng chỉ đủ để cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản nhất về kiểm thử phần mềm. Những thông tin cụ thể hơn về xu hướng phát triển, công nghệ, quy trình làm việc, cơ hội nghề nghiệp và những thử thách cũng như những vấn đề khác liên quan tới công việc của một kiểm thử viên (còn gọi là QC, QA hoặc Tester tùy theo công ty) thì vẫn chưa được chia sẽ nhiều trong quá trình học.

Tìm hiểu công việc tester

Kiểm thử phần mềm (KTPM) và đặc biệt là thị trường dịch vụ KTPM trong khoảng 5 năm qua đã có những chuyển biến rất tích cực tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại là một trong những địa điểm được lựa chọn và đánh giá cao, khi các doanh nghiệp ở các nước Âu, Mỹ muốn gửi công việc KTPM sang gia công ở một nước thứ ba. Ngoài ra nhiều công ty khi mở chi nhánh nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam cũng thường bắt đầu bằng việc chuyển giao công việc KTPM dưới dạng này hoặc dạng khác. Theo ước tính thì thị trường nhân lực KTPM ở Việt Nam cho tới năm 2020 sẽ cần thêm khoảng trên dưới 10,000 chuyên viên kiểm thử (Tester), trong đó khoảng 50% là chuyên viên KTPM cao cấp trở lên.

Thông qua bài viết này tôi muốn chia sẻ một số quan điểm và nhận xét liên quan tới công việc KTPM nhằm giúp các bạn sinh viên mới ra trường cũng như các bạn đang đứng ở “ngã ba đường” chọn lựa nghề nghiệp (trở thành tester hay developer) tránh được những “ngộ nhận” về công việc KTPM. Qua đó, tôi hy vọng giúp các bạn có một cái nhìn thấu đáo hơn về ngành này để có thể có được một chọn lựa phù hợp với khả năng, mong muốn và nhu cầu thực tế của thị trường nhân lực IT ở Việt Nam. Dưới đây là bốn ngộ nhận phổ biến trong cách nhìn nhận về ngành KTPM.

Định hướng nghề nghiệp – Trở thành Tester hay Developer?

1. “Ai cũng có thể làm KTPM thậm chí không cần phải qua đào tạo”

Nếu chỉ nhìn vào khoảng thời gian 1 người mới tiếp cận với KTPM cho đến khi họ có thể làm được việc thì đúng là không lâu. Chung quy bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về KTPM như đọc/hiểu yêu cầu của ứng dụng; lập kế hoạch và chiến lược kiểm thử; kỹ thuật phân tích thiết kế test cases dựa trên yêu cầu của phần mềm và các quy trình cơ bản để thực thi kiểm thử. Tuy nhiên đó mới chỉ là những kiến thức cơ bản nhất để bạn có thể bước đi trên con đường nghề nghiệp này.

Thực tế không ít công ty thậm chí còn không có giai đoạn đào tạo cơ bản này. Họ sẽ giao việc cho Tester ngay sau khi cung cấp những thông tin về dự án và sản phẩm đang được phát triển. Tester sẽ phải tự học và nhiều người đã có thể kiếm ra được kha khá lỗi bằng cách làm như vậy. Điều này tạo nên ngộ nhận là công việc KTPM khá dễ, ai cũng có thể làm được và có thể trở thành chuyên gia trong thời gian ngắn hoặc lâu lắm là 2-3 năm. Thực tế thì khoảng cách về kỹ năng và hiệu quả công việc giữa Tester làm được việc và Tester xuất sắc là khá lớn.

Kiểm thử phần mềm đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn mà không phải ai cũng có thể sở hữu hoặc trang bị trong một sớm một chiều. Sự đam mê công nghệ, mong muốn đóng góp để cho ra đời một sản phẩm phần mềm với chất lượng hoàn hào, khả năng tư duy sáng tạo, quan sát, trình bày, phân tích và lập trình v.v là những kỹ năng cốt yếu để một Tester có thể làm tốt công việc. Trên thực tế, quá trình đào tạo trong ngành KTPM chủ yếu là quá trình tự học để hoàn thiện kỹ năng.

  "Cơ hội phát triển sự nghiệp AI với các ngành nghề là tương đồng" - Bảo Đại, AI Researcher tại Knorex
  "Mẹo bỏ túi" cho dân coder mới vào nghề

2. “Công việc KTPM không đòi hỏi kỹ năng lập trình”

Không ít người nghĩ rằng KTPM được thực hiện theo kiểu thủ công (manual testing hay kiểm thử bằng tay). Như vậy thì những kiến thức như phân tích thiết kế, lập trình, cơ sở dữ liệu, quản lý dự án v.v. được học trong mấy năm ĐH sẽ bị mai một.

Trên thực tế, kiến thức và kỹ năng bạn trang bị trong những năm ĐH sẽ giúp bạn trau dồi khả năng tư duy, phân tích để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực CNTT. Cho dù bạn chọn lựa trở thành lập trình viên (Developer), người phân tích yêu cầu (Business Analyst) hoặc kiểm thử viên (Tester) thì đó là những kiến thức nền tảng để tiếp cận được công việc trong 1 dự án phát triển phần mềm. Hiên nay, công việc KTPM đòi hỏi Tester phải làm nhiều việc hơn so với trước đây.

Ngoài việc kiểm thử các chức năng (functional testing), họ còn phải ít nhiều biết làm kiểm thử tự động (automation testing) và kiểm thử hiệu năng (performance testing) cho sản phẩm. Một người Tester ngày nay sẽ cần phải tìm hiểu và xây dựng giải pháp/công cụ phục vụ kiểm thử tự động/hiệu năng. Và đó có lẽ đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” cho một Tester.

Để đánh giá được công cụ nào “ngon, bổ, rẻ” đòi hỏi người Tester phải nắm vững kỹ thuật, phải biết lập trình để xây dựng thêm tính năng cho phù hợp với nhu cầu dự án. Cho công việc này, ngoài việc đòi hỏi kỹ năng lập trình như phân tích thiết kế, ngôn ngữ lập trình Java, .NET v.v nó còn đòi hỏi sự tập trung cao độ cho chất lượng. Vì bạn đang phát triển giải pháp nhằm được sử dụng để kiểm tra một sản phẩm phần mềm khác.

3. “Công việc KTPM không đòi hỏi nhiều khả năng phân tích, sáng tạo”

Thống kê cho thấy nếu chỉ dựa vào tài liệu về yêu cầu của ứng dụng (requirements) để tiến hành việc kiểm thử (cho dù các tài liệu này được viết ở mức tốt nhất có thể) thì kết quả cũng chỉ có thể kiếm được khoảng 70% những lỗi có thể xảy ra của ứng dụng. Trách nhiệm của Tester là làm sao phát hiện thêm được càng nhiều càng tốt, trong số 30% lỗi còn lại.

Họ phải phân tích xem với công nghệ và phương pháp cài đặt hiện tại có những rủi ro gì về chất lượng. Họ phải vượt ra khỏi các suy nghĩ thông thường (“think out-of-the-box”) về môi trường người dùng cuối; về những kịch bản sử dụng ứng dụng có thể dẫn đến những vấn đề không mong muốn; về những rủi ro khi phần mềm này tương tác với những phần mềm khác v.v. Hơn nữa, một sản phẩm phần mềm có thể được phát triển bằng công nghệ mới nhất, có nhiều tính năng và rất ít lỗi, nhưng lại không giúp người dùng giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề của người dùng trong công việc của họ thì đó vẫn là sản phẩm kém chất lượng.

Tester thời hiện đại cần tham gia rất sớm vào dự án phát triển phần mềm mà không làm nhiều việc liên quan tới “kiểm thử” trong thời gian khởi đầu dự án. Trong giai đoạn này, họ sẽ cùng làm việc với nhóm phát triển phân tích, đánh giá yêu cầu, phân tích các sản phẩm tương tự và đưa ra những đề xuất để cải thiện tính năng của sản phẩm mà cả nhóm đang cùng thực hiện. Thông qua việc đánh giá công nghệ, kiến trúc họ sẽ phải xác định các rủi ro về chất lượng (quality), bảo mật (security), hiệu năng (performance), tính dễ sử dụng (usability) v.v.

Khi nhóm phát triển bắt đầu cài đặt là lúc họ lập ra chiến lược kiểm thử, chuẩn bị môi trường sao cho càng giống với môi trường thật càng tốt, nghiên cứu công cụ v.v . Thực tế có tương đối ít công cụ giúp bạn làm tốt những việc này. Vậy nên khả năng phân tích càng tốt và tính sáng tạo càng cao thì công việc của bạn sẽ càng hiệu quả và lý thú.

Định hướng nghề nghiệp – Trở thành Tester hay Developer?

4. “Công việc KTPM không có nhiều thử thách và cơ hội phát triển nghề nghiệp”

Cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh trong lĩnh vực CNTT có lẽ hiện nay đang ở mức cao nhất. Một công ty đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ phần mềm sẽ ít có cơ hội sửa sai nếu như sản phẩm hoặc dịch vụ đó không đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Điều này đặt một gánh nặng rất lớn lên đội ngũ phát triển phần mềm nói chung và Tester nói riêng. Cụ thể hơn là chất lượng công việc phải cao hơn; thời gian dành cho kiểm thử ít đi; kiểm thử sẽ phải được thực hiện trên nhiều môi trường và tình huống khác nhau; Tester sẽ phải toàn diện hơn để có thể đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau trong từng giai đoạn của dự án v.v. Điều này đòi hỏi Tester phải tận dụng cơ hội và thời gian nhàn rỗi để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nhằm chuẩn bị cho những thử thách sắp tới hơn là chỉ “đóng khung” trong công việc của dự án hiện tại.

Với đà phát triển của CNTT và tầm quan trọng ngày càng tăng của sản phẩm phần mềm trong công việc và cuộc sống, KTPM càng ngày càng trở nên quan trọng và có thể thấy được điều này thông qua sự phát triển qui mô nhanh chóng của những công ty chuyên cung cấp dịch vụ KTPM tại Việt Nam trong thời gian qua. Tester bây giờ có nhiều chọn lựa hơn trong công việc, ví dụ như trở thành chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia kỹ thuật cho KTPM. Và bạn chắc chắn sẽ luôn có cơ hội để trở thành chuyên gia hay nhà quản lý cấp cao trong công ty.

Lời Kết

Một điều không thể phủ nhận là tất cả những người thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều có một điểm chung là bắt nguồn từ sự đam mê, tâm huyết với ngành nghề mà họ theo đuổi. Và nghề KTPM cũng không phải là ngoại lệ. Công việc KTPM đã, đang và sẽ luôn tồn tại những việc có phần đơn giản, lặp đi lặp lại và cũng không thiếu những việc thử thách thực sự.

Có thể thấy ở người Tester giỏi dáng dấp của một Tester “truyền thống” với kỹ năng và kiến thức nền tảng về kiểm thử; dáng dấp của một Business Analyst với kỹ năng phân tích và đánh giá yêu cầu; dáng dấp của một người Developer với kỹ năng thiết kế và lập trình cơ bản; dáng dấp của Expertise End-User (Người dùng cuối thành thạo) với khả năng đánh giá rủi ro và chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Điều này có thể là khó khăn nhưng cũng là thử thách hấp dẫn cho những Tester muốn thăng hoa trên con đường nghề nghiệp.

Trên con đường trở thành chuyên gia, thử thách lớn nhất đối với Tester không phải là công nghệ mới hay vấn đề kỹ thuật hóc búa mà là vượt qua chính bản thân mình để luôn giữ được “lửa nghề”.

Bài viết gốc được đăng tải tại vntesters.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm tuyển dụng tester hà nội, đà nẵng, hcm hấp dẫn trên TopDev