Amazon: Phát triển mà không làm mai một văn hóa startup
Điều hành một startup khác với điều hành một công ty lớn rất nhiều. Khi qui mô công ty còn nhỏ, các nhà sáng lập có thể dễ dàng nắm bắt hoạt động của công ty và đảm bảo mọi công việc quan trọng đều được thực hiện. Nhưng đến khi startup phát triển và mở rộng, nhà sáng lập không thể nào nhúng tay tham gia từ A-Z nữa. Nhiều công ty dần xa rời khách hàng; qui trình làm việc trở nên trì trệ; tuyển dụng nhân sự mắc phải sai lầm. Chúng ta đều đã chứng kiến những sai lầm này, kể cả ở những startup xuất sắc.
Phép màu của Amazon là ở chỗ: dù là một công ty khổng lồ, nhưng ở một số khía cạnh chủ chốt, Amazon vẫn vận hành như một startup do nhà sáng lập điều khiển. Điều này một phần là vì Jeff Bezos, CEO của Amazon, có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá của toàn bộ công ty. Bên cạnh đó, Bezos đã phát triển một số công cụ độc đáo nhằm duy trì và củng cố những giá trị cốt lõi của mình trong công ty, chẳng hạn như:
1. Chú trọng vào khách hàng
Amazon có một qui trình phát triển sản phẩm độc nhất vô nhị: trước khi bắt đầu một dự án mới, giám đốc sản phẩm sẽ soạn một thông cáo báo chí nội bộ để ‘công bố’ về sản phẩm đó. Cách tiếp cận trái với qui trình thông thường này giúp cho cả đội ngũ phát triển hiểu rõ giá trị của sản phẩm đối với khách hàng (VD: sản phẩm này giải quyết vấn đề gì cho người dùng). Một cựu giám đốc ở Amazon đã mô tả phương pháp này như sau: “Chúng tôi muốn đi ngược và bắt đầu từ phía khách hàng thay vì bắt đầu từ ý tưởng sản phẩm rồi sau đó cố đóng khung khách hàng vào sản phẩm đó.”
Nếu như cả đội ngũ làm sản phẩm không nghĩ ra được một thông cáo báo chí đủ thu hút, điều đó có nghĩa hoặc là họ cần dành thêm thời gian suy ngẫm thêm, hoặc là sản phẩm của họ không đáng được phát triển.
Bài tập viết một thông cáo báo chí ngắn gọn súc tích là một bài tập hay giúp tóm tắt nhu cầu của khách hàng và lợi ích sản phẩm mang lại. Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra là: làm thế nào để đội ngũ làm sản phẩm có thể thực sự hiểu được những nhu cầu và thách thức mà khách hàng mang lại. Để rút ngắn khoảng cách giữa các nhà quản lý và người tiêu dùng, Amazon để cho họ thường xuyên làm công tác dịch vụ khách hàng. Tại AbeBooks, chúng tôi cũng áp dụng chính sách tương tự.
2. Cơ cấu tổ chức
Amazon có một qui luật khá nổi tiếng: Qui luật Hai chiếc pizza – nếu một nhóm dự án có thể ăn nhiều hơn 2 cái pizza, nhóm đó có quá nhiều người. Để giải quyết vấn đề này, họ sẽ chia nhỏ dự án và đội ngũ thực hiện. Từ đó các nhóm sẽ tinh gọn, hoạt động linh hoạt hơn và quản lý dễ dàng hơn.
Để hỗ trợ các nhóm làm việc với nhau, mỗi một sản phẩm ở Amazon đều phải có API (Application Programming Interface – giao diện lập trình ứng dụng), giống như khi phát triển sản phẩm cho một khách hàng ở ngoài. Với API, các đội dự án có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào tốc độ làm việc của nhau cũng như bàn giao công việc cho nhau dễ dàng hơn. Nó thể hiện tầm nhìn của Bezos về một công ty phân quyền, trong đó các nhóm nhỏ có thể độc lập sáng tạo và hoạt động mà không bị các nhóm hay cá nhân khác chi phối.
3. Tuyển dụng
Khi một công ty phát triển và mở rộng đến một mức độ nào đó, nhà sáng lập không thể nào tham gia vào mọi quyết định của công ty nữa. Lúc này công ty cần phải có đội ngũ nhân sự có năng lực.
Trước đây, Bezos đã áp dụng chương trình tuyển dụng thông qua “bar raisers” tại Amazon. Đây là những nhân viên có khả năng nhìn người tốt và phụ trách phỏng vấn các ứng viên ứng tuyển vào Amazon. Họ có quyền phản đối bất kì một ứng viên nào, kể cả khi ứng viên ứng tuyển vào các vị trí hoàn toàn không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Bezos đã nói rằng chương trình này đã giúp loại bỏ bớt những ứng viên “lệch với văn hoá” của Amazon và giúp công ty có các quyết định tuyển dụng đúng đắn bằng cách chỉ tuyển người khi nhiều nhân viên ở các lĩnh vực đa dạng chấp thuận người đó.
Một chiến thuật dùng người khác của Amazon là giữ chân những nhà sáng lập mà họ có được khi mua lại các công ty khác. Ví dụ: vào năm 1998, khi mua lại Junglee, Amazon cũng thu nhận nhà sáng lập của công ty này là Mike George. Từ đó trở đi, Bezos đã rất nhiều lần tin tưởng giao cho George rất nhiều dự án mới như đưa marketplace ra các thị trường hay điều hành dự án nền tảng thanh toán quốc tế. Hiện Mike George đang phụ trách dự án Alexa.
Giữ chân các nhà sáng lập không phải là điều dễ làm: khi một ai đó sáng lập ra một công ty, họ muốn làm tướng chứ không muốn làm lính. Các nhà khởi nghiệp thường không hài lòng khi công ty mua lại startup của mình lại muốn dạy dỗ họ cách làm thế nào để điều hành doanh nghiệp mà chính họ “mang nặng đẻ đau” và “nuôi lớn.” Bí quyết để Amazon thành công trong việc giữ chân những nhà sáng lập là cho họ không gian để thoả sức tung hoành.
Hỡi những nhà sáng lập của các startup đang còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nghĩ cách làm sao để đưa được sản phẩm của mình ra thị trường hay thu hút được 1,000 hoặc 100,000 khách hàng đầu tư mà chưa để tâm tới các thách thức liên quan tới việc mở rộng qui mô công ty. Thế nhưng một số những công cụ ở trên có thể giúp ích rất nhiều cho startup của bạn kể cả khi bạn mới có 20-30 nhân viên. Hãy nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu nghĩ về việc áp dụng những qui trình và công cụ đúng đắn nhằm giúp công ty phát triển mà không bị chệch hướng.
Nguồn: blog.topdev.vn via 500startups.com.vn
- B BenQ RD Series – Dòng Màn Hình Lập Trình 4k+ Đầu Tiên Trên Thế Giới
- i iOS 18 có gì mới? Có nên cập nhật iOS 18 cho iPhone của bạn?
- G Gamma AI là gì? Cách tạo slide chuyên nghiệp chỉ trong vài phút
- P Power BI là gì? Vì sao doanh nghiệp nên sử dụng PBI?
- K KICC HCMC x TOPDEV – Bước đệm nâng tầm sự nghiệp cho nhân tài IT Việt Nam
- T Trello là gì? Cách sử dụng Trello để quản lý công việc
- T TOP 10 SỰ KIỆN CÔNG NGHỆ THƯỜNG NIÊN KHÔNG NÊN BỎ LỠ
- T Tìm hiểu Laptop AI – So sánh Laptop AI với Laptop thường
- M MySQL vs MS SQL Server: Phân biệt hai RDBMS phổ biến nhất
- S SearchGPT là gì? Công cụ tìm kiếm mới có thể đánh bại Google?